Tăng vốn tín dụng lên vùng Tây Bắc
Mặc dù ngành ngân hàng đã có những cố gắng tích cực trong việc đưa nguồn vốn tín dụng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, nhưng thời gian gần đây, hoạt động này đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn. Ðiều này đòi hỏi toàn hệ thống ngân hàng phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu để tăng cường vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp nơi đây.
Ðường yếu, vốn thiếu
Theo Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Lê Khả Ðấu, mặc dù không phải là một khu vực kinh tế trọng điểm nhưng trong những năm gần đây, kinh tế Tây Bắc tăng trưởng khá ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP toàn vùng khoảng 9,64%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 4,4%. Các thế mạnh của vùng về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục phát triển, xuất hiện thêm nhiều mô hình sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Tây Bắc còn nhiều khó khăn so với cả nước, kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Ðặc biệt, đây là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao (gần 26%), quy mô kinh tế còn nhỏ bé, cơ sở hạ tầng, đời sống và việc tiếp cận các dịch vụ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều yếu kém, việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường và giải quyết tốt vấn đề xã hội còn bất cập.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến vùng chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Song theo nhiều ý kiến từ các chuyên gia và lãnh đạo các bộ, ngành: Hai nguyên nhân được coi là "cốt lõi" dẫn đến tình trạng trên là cơ sở hạ tầng thấp kém và nguồn tín dụng còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của toàn vùng.
Theo Chủ tịch HÐQT Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà: Cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập đang là một rào cản lớn đối với môi trường đầu tư tại vùng, là yếu tố làm tăng chi phí sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của DN. Việc hình thành cụm, khu công nghiệp, đô thị quy mô lớn do đó cũng rất khó khăn. Ngay cả việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuyên canh là chưa thể khi đất đai manh mún, địa hình hiểm trở, nguồn nhân lực thiếu và yếu.
Có cùng quan điểm nêu trên, đại diện lãnh đạo Công ty CP giấy An Hòa Vũ Xuân Tiền cho rằng, Tây Bắc muốn phát triển thì không thể duy trì mãi cây trồng manh mún như hiện nay mà phải áp dụng đồng bộ từ cây giống, công nghệ, kỹ thuật. Ði cùng với đó là hệ thống đường giao thông quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, liên xã, huyện phải được đưa vào quy hoạch tổng thể của ngành giao thông. Theo ông Tiền, "chúng ta cứ nói mãi đến phát triển kinh tế nhưng không có đường thì DN cũng không thể đến được với Tây Bắc".
Ngoài khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn thiếu cũng là một trong những yếu tố gây trở ngại đối với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Tính đến 31-12-2012, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn Tây Bắc đạt hơn 76 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 38% so cuối năm 2011 và chiếm khoảng 2,4% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc. Tổng dư nợ tín dụng tính đến ngày 31-12-2012 đạt hơn 110 nghìn tỷ đồng, tăng 16,34% so cuối năm 2011 và chiếm khoảng 3,56% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tổng dư nợ tín dụng đến ngày 28-2-2013 đạt hơn 108 nghìn tỷ đồng, giảm 1,25% so cuối năm 2012. Về cơ bản đã xóa những xã "trắng" về tín dụng, để người dân có nguồn vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
Song bên cạnh những kết quả này, Phó Thống đốc NHNN Ðào Minh Tú cũng thừa nhận thời gian gần đây hoạt động đầu tư tín dụng của ngành ngân hàng cho Tây Bắc cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn. Công tác huy động vốn để tạo nguồn cho vay có biểu hiện chững lại, các doanh nghiệp vay vốn gặp khó khăn trong sản xuất, không có khả năng trả nợ đúng hạn khiến nợ quá hạn tăng. Tổng nguồn vốn huy động tại vùng Tây Bắc vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn vốn huy động của cả nước. Hiện nay, huy động tại chỗ của các ngân hàng trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được gần 70% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn và phải nhận điều hòa vốn từ hội sở chính. Vì vậy, các ngân hàng cũng chưa thật sự chủ động được nguồn vốn cho vay trên địa bàn.
Tìm giải pháp mở rộng tín dụng
Theo Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập, vốn đầu tư của ngân hàng hiện vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ bé. Vì vậy, trong những năm tới, để khai thác được thế mạnh tiềm năng của vùng, sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư của Nhà nước cũng như vốn tín dụng của ngân hàng, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng của vùng và đầu tư nâng cao trình độ dân trí.
Trong quy hoạch phát triển vùng, sự đầu tư của Nhà nước cần được phối hợp nhịp nhàng với đầu tư của các doanh nghiệp nói chung, NHTM nói riêng để vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa mang lại hiệu quả xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, để vốn tín dụng phát huy hiệu quả, ông Thập cũng cho rằng ngoài sự nỗ lực, cố gắng của bản thân các chi nhánh ngân hàng vùng Tây Bắc, sự hỗ trợ của NHNN, còn cần sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp ủy chính quyền, ban, ngành tại địa phương và chính sách của Nhà nước, của ngân hàng đối với hoạt động của các chi nhánh NH trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Trần Ngọc Thực cũng đề xuất NHNN cần chỉ đạo NHNN các chi nhánh trong khu vực tổ chức gặp gỡ, trao đổi ý kiến với các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhằm giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách có liên quan để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng và tiếp cận được các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh cho vay các dự án khai thác khoáng sản như a-pa-tit, sắt, đá vôi,... và đặc biệt là thủy điện; vùng sản xuất hàng hóa phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao,... nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Ðồng thời, mở rộng tín dụng trung và dài hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất vốn vay tạm thời đối với một số khách hàng gặp khó khăn,...
Trước những yêu cầu, đề nghị của chính quyền địa phương cũng như các DN trên địa bàn, mới đây, trong khuôn khổ diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã đưa ra cam kết: Hệ thống ngân hàng sẽ bảo đảm cung ứng đủ vốn cho bất kỳ dự án, phương án kinh tế nào, nếu có hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng đã có những kế hoạch đầu tư cụ thể nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng trong thời gian tới, cũng như đề xuất, kiến nghị những giải pháp để nguồn tín dụng phát huy hiệu quả.
Phó Tổng giám đốc Agribank, TS Nguyễn Tiến Ðông kiến nghị Chính phủ ủy thác vốn đầu tư cho khu vực Tây Bắc thông qua Agribank và có chính sách miễn giảm lãi suất cho vay một số đối tượng và cho các hộ sản xuất, nông dân. "Chúng tôi cũng kiến nghị NHNN cho Agribank được sử dụng nguồn tái cấp vốn để đầu tư cho các đối tượng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc" - TS Nguyễn Tiến Ðông đề xuất.
Còn theo Chủ tịch HÐQT BIDV Trần Bắc Hà, để mở rộng tín dụng bền vững cho khu vực Tây Bắc, BIDV đề nghị NHNN cần sớm có định hướng chỉ đạo các NHTM trong việc phục vụ phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt cần ưu tiên mạnh mẽ cả về vốn và lãi suất để hỗ trợ phát triển vùng. Ngoài ra, BIDV cũng kiến nghị NHNN cho phép ngân hàng mở thêm mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn để cung ứng tín dụng đối với khu vực.
Trước mắt, trong khuôn khổ Hội nghị, BIDV đã ký kết tam thỏa thuận tài trợ vốn với tổng mức cam kết tài trợ là 3.850 tỷ đồng cho các lĩnh vực sản xuất giấy, may mặc, nông sản, khai thác khoáng sản và thủy điện. Về lâu dài, trong kế hoạch chiến lược của BIDV giai đoạn 2013-2015, BIDV sẽ tiếp tục thu xếp các nguồn vốn trung dài hạn nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển khu vực Tây Bắc.
Cụ thể, BIDV cam kết sẽ dành nguồn vốn trung dài hạn theo doanh số 15 nghìn tỷ đồng để phát triển hoạt động tín dụng song hành với chính sách và định hướng phát triển kinh tế, phát triển ngành của khu vực.
Quyết Thắng
Theo NDO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo