Táo Mỹ có gì hơn táo Trung Quốc?
Trước đó vài tuần lễ, Việt Nam cũng cấm nhập khẩu táo từ Úc do nhiễm bệnh ruồi đục quả. Một câu hỏi bật ra là: vậy thì táo Mỹ, táo Úc có hơn gì táo nhập từ Trung Quốc, vốn thỉnh thoảng lại bị phát hiện có dư lượng hóa chất bảo quản hay thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép?
Nỗi băn khoăn - hay lo lắng, hoang mang - của người tiêu dùng trước các loại trái cây là xác đáng sau khi có những thông tin về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm gần đây. Bất kể loại trái cây gì, bất kể chúng có nguồn gốc từ đâu, cũng đều có thể có dư lượng chất bảo quản hay hóa chất độc hại.
Thế nhưng, chính sự minh bạch thông tin là yếu tố quyết định trái cây từ đâu an toàn hơn. Và ở góc độ này, có thể khẳng định ngay ưu thế vượt trội của sản phẩm đến từ các nước phương Tây.
Thật vậy, thông tin táo Mỹ nhiễm khuẩn không phải do phía Việt Nam phát hiện mà từ sự chủ động của phía doanh nghiệp xuất khẩu táo ở Mỹ. Nghĩa là phía Mỹ chủ động thông báo cho các nước nhập khẩu rằng họ đã bán qua các thị trường này một lượng sản phẩm chưa đảm bảo an toàn và cần thu hồi.
Cụ thể, ngày 6-1-2015, Công ty Bidart Bros ở Bakerfield, California đã tự nguyện thu hồi sản phẩm táo Granny Smith và táo Gala do kết quả kiểm tra môi trường đã kết luận thiết bị đóng gói táo bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes. Các sản phẩm thu hồi là toàn bộ táo Granny Smith và táo Gala được chuyển từ cơ sở đóng gói ở Shafter, California trong năm 2014.
Đến ngày, ngày 19-1-2015, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cũng nhận được cảnh báo từ Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (Infosan) về việc thu hồi quốc tế đối với táo và các sản phẩm táo caramel chế biến, đóng gói sẵn nhập khẩu từ Mỹ do nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes của bốn công ty kinh doanh táo ở bang Missouri, California.
Sau đó, phía các nhà quản lý Việt Nam lên tiếng khẳng định 90% táo nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam lại xuất phát từ bang Wasinhton D.C. nên người tiêu dùng không cần phải quá hoang mang.
Tương tự là câu chuyện của trái táo đến từ Úc.
Điều mà người tiêu dùng có thể nhận ra là cũng bán trái táo nhưng giữa Mỹ và Trung Quốc có hai cách làm khác nhau một trời một vực.
Lâu nay, thông tin táo hay các loại hoa quả Trung Quốc khi nhập vào Việt Nam bị phát hiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép nhiều lần không phải là do phía Trung Quốc công bố. Các vụ việc bị phát hiện là do cơ quan quản lý Việt Nam kiểm tra rồi công bố rộng rãi, chứ không phải là thông báo từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc về những lô hàng không đảm bảo này.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 thuộc Cục bảo vệ thực vật, điểm khác nhau nằm ở chỗ doanh nghiệp Mỹ để cao trách nhiệm với cộng đồng và cũng là một cách để bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.
Trong nhiều năm làm công tác kiểm dịch, ông Đạt cho biết, không chỉ có doanh nghiệp Mỹ mà các doanh nghiệp ở châu Âu đều có trách nhiệm và nghĩa vụ thông báo cho đối tác của mình khi sản phẩm của họ không đạt chất lượng hay có một vấn đề gì đó phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông.
Cách làm của phía doanh nghiệp Trung Quốc thì ngược lại. Cũng có ý kiến cho rằng, lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc làm ăn với nhau bằng đường tiểu ngạch hoặc theo hình thức kinh doanh giữa cư dân ở hai bên biên giới, nên nhiều sản phẩm không được kiểm tra chặt về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do đó, chỉ khi cơ quan quản lý trong nước kiểm tra mới phát hiện - mà nhiều khi do trình độ kỹ thuật hay trang thiết bị còn hạn chế nên khó hay không thể phát hiện - còn bên bán thường im lặng để bán được hàng dù họ biết sản phẩm không an toàn, hay nói cách khác là "ngậm miệng ăn tiền."
End of content
Không có tin nào tiếp theo