Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Đầu tư ngoài ngành lỗ nặng
Đây là ý kiến của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) mà cơ quan này vừa ban hành cuối tháng 12/2014 (số 3173/TB-TTCP, ngày 27/12/2014).
Ra ngoài: Mất và lỗ
Nguyên nhân đi đến nhận định trên, theo kết luận thanh tra, chủ yếu do đầu tư dàn trải, thiếu tính toán, nghiên cứu kỹ càng từ khâu khảo sát, lập, trình duyệt dự án. Hơn nữa VRG còn “đầu tư vào quá nhiều ngành, nghề, lĩnh vực không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính, dẫn đến khó khăn, thậm chí không quản lý được”, kết luận thanh tra viết.
Đáng lưu ý là việc góp vốn và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Đồng Tháp (DSEC) có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lớn cho nhà nước và doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh của công ty này liên tục lỗ, “đến nay đã mất hết vốn điều lệ khoảng 144.000 triệu đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán 253.453 triệu đồng”.
Thậm chí, nhiều khoản vay đã được DSEC sử dụng sai mục đích, chiếm dụng vốn của Công ty cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Cao su bằng việc ký kết hợp đồng nhưng không thực hiện.
Vẫn chưa hết, việc đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ và Du lịch Cao su (RUTRATOCO) chủ yếu để đầu tư khách sạn tại thị xã Móng Cái, Quảng Ninh cũng có vấn đề.
Theo Thanh tra Chính phủ, quá trình đầu tư VRG và RUTRATOCO đã không tổ chức thẩm định tổng mức đầu tư khi điều chỉnh, không đánh giá được những yếu tố mang lại hiệu quả đầu tư cho dự án khi thay đổi.
Kỳ quặc là hầu hết các quyết định điều chỉnh đều thực hiện sau khi hạng mục hoặc công trình đã thi công hoàn thiện
“Hậu quả là công ty liên tục lỗ, mất vốn hằng trăm tỷ đồng, không còn khả năng trả nợ vay ”, Thanh tra Chính phủ kết luận
Tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam (RFC), kiểm tra hai nội dung về hoạt động kinh doanh, mua bán kỳ hạn chứng khoán (Repo) và một số hợp đồng cho vay, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều sai sót.
Theo đó, RFC không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động Repo, nhưng vẫn có 43 hợp đồng trị 23.852 triệu đồng đã được thực hiện. Vẫn theo kết luận thanh tra, hiện nay tổng dư nợ mà đơn vị này chưa thu được lên đến 356.980 triệu đồng. “Đây là các khoản khó xử lý, tính thanh khoản thấp, nhiều doanh nghiệp đã và đang trong tình trạng hết sức khó khăn, kinh doanh thua lỗ, thậm chí không còn khả năng tài chính để xử lý nợ”, báo cáo trong kết luận thanh tra.
Ngoài ra, hoạt động tín dụng của RFC cũng có nhiều vi phạm, từ thẩm định năng lực pháp lý, đến năng lực hoạt động và uy tín của doanh nghiệp xin vay vốn. RFC cũng không đánh giá đúng phương án sản xuất kinh doanh, thẩm định tài sản bảo đảm nợ vay không có quy trình chặt chẽ, theo dõi, giám sát sử dụng vốn vay không tuân thủ đầy đủ thủ tục quy định
Bên trong: Thu và chi
Kiểm tra quản lý doanh thu và chi phí tại VRG, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm. Việc quản lý giá mua, bán sản phẩm mủ cao su được tập đoàn căn cứ vào thẩm quyền ban hành cơ chế giá. Tuy nhiên, thanh tra Chính phủ cho rằng, cơ chế này có một số hạn chế, dễ làm nảy sinh tiêu cực do cơ chế “xin cho”.
Trong khi VRG hỗ trợ quỹ lương cho Công đoàn Cao su Việt Nam vượt quy định 15.409 triệu đồng, khoản thù lao, kiêm nhiệm của người đại diện tập đoàn tại các doanh nghiệp lại không được hưởng là “chưa phù hợp với quy định, chưa tương xứng giữa trách nhiệm và quyền lợi”. Tính đến 31/12/2014, lợi nhuận của VRG chưa được phân phối tại bốn công ty cổ phần lên đến 935.725 triệu đồng.
Việc xây dựng giá sàn để bán thanh lý các vườn cây cao su mà các đơn vị trình VRG phê duyệt cũng chưa có cơ sở pháp lý. Không những thế, có đơn vị thành viên còn bán trực tiếp mà không qua đấu giá. Hay như Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng thực hiện xác định giá trị vừơn cây chưa đầy đủ khi thanh lý tại các công ty cổ phần 179.789 triệu đồng.
Thanh tra Chính phủ phủ cũng chỉ ra nguyên nhân lãng phí hoặc làm tăng chí phí do các quy định thiếu hợp lý. Theo đó các đơn vị thành viên phải ký hợp đồng vay vốn của RFC trong khi không có nhu cầu sử dụng dẫn đến chi phí sản xuất kinh doanh tăng, hậu quả là giảm lợi nhuận.
Ngoài ra, VRG và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn xác định và phê duyệt giá trị lợi thế kinh doanh trước khi cổ phần hóa tại hai Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa và Tây Ninh không đúng quy định, làm giảm giá trị vốn nhà nước 52.906 triệu đồng.
Trong lĩnh vực xây dụng cơ bản, VRG cũng để xảy ra những thiệt hại lớn. Đơn cử như dự án “nhà máy sản xuất thùng phuy” do Công ty cổ phẩn Cao su Tây Ninh làm chủ đầu tư đã để xảy ra nhiều thiếu sót, vi phạm, dẫn đến dụ án không hoạt động được, gây thiệt hại vốn đầu tư khoảng 16.818 triệu đồng.
Quản lý sử dụng đất đai thì có điển hình vi phạm ở Công ty cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam. Mặc dù chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng Công ty này vẫn chuyển nhượng hơn 109 ha cho Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Thành Đông với giá 222.894 triệu đồng. Ấy thế việc này cũng được VRG… chấp thuận
Với riêng VRG, Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc VRG và đơn vị thành viên liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử vốn và tài sản nêu trong kết quả thanh tra.
“VRG và các đơn vị thành viên có nhiều đóng góp tích cực vào chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; tham gia các hoạt động tại địa phương và góp phần ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn; góp phần xóa đói giảm nghèo nhất là với đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa….”,
Thanh tra Chính phủ cũng ghi nhận những ưu điểm của VRG
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất