Thị trường

Tập đoàn Dầu khí sẽ nhập than từ năm nay

Để chuẩn bị tiếp quản vận hành Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Tập đoàn Dầu khí (PVN), thông qua công ty con, đã ký một số hợp đồng khung và dự kiến sẽ chính thức nhập khẩu 10 triệu tấn than/năm bắt đầu từ 2014.

Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư sẽ dùng một phần than nhập khẩu. Ảnh:PVN

Theo tin từ PV Power Coal, công ty con thuộc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power)- thành viên của PVN, sau khi ký một số hợp đồng khung (COFA) và biên bản ghi nhớ (MOU) về mua bán than dài hạn với các đối tác Indonesia và Úc trong năm 2013, đến cuối năm 2014, dự kiến PV Coal sẽ đàm phán hợp đồng mua bán chính thức, với khối lượng nhập cam kết trên 10 triệu tấn/năm. Con số này bằng khoảng 1/10 mức nhập khẩu dự kiến của Việt Nam mà Tập đoàn Công nghiệp than- khoáng sản (TKV) tính toán, kể từ năm 2015 trở đi.

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã chính thức hòa lưới điện quốc gia từ cuối tháng 12-2013, bắt đầu vận hành thương mại từ tháng 4 năm nay. Nhà máy có công suất 2 tổ máy là 2 x 600 MW sử dụng nguồn nguyên liệu chính từ các mỏ ở Cẩm Phả, Hòn Gai, Vàng Danh và Uông Bí (Quảng Ninh). Song với tính toán là trong vòng 4 năm tới, khả năng các mỏ trong nước và chất lượng mỏ sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu nên PV Power Coal sẽ phải nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu than cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (dự kiến phát điện tổ máy 1 vào quý II-2015), với tổng công suất thiết kế 1.200 MW, là 3 triệu tấn than /năm cũng gây áp lực lên nguồn than trong nước, vốn ngày càng cạn kiệt và tiến độ đầu tư mỏ mới chưa đảm bảo nhu cầu.

PV Power Coal cho biết để có được chất lượng than tốt, giá cả cạnh tranh, họ sẽ thuê tư vấn đánh giá chi tiết các dự án mỏ than phù hợp, các nhà cung cấp tiềm năng sau đó mới đàm phán hợp đồng chính thức. Như vậy giá cả sẽ được xem xét từng năm theo cơ chế đấu thầu và mua than giao ngay (spot) trên thị trường theo chỉ số giá than tiêu chuẩn quốc tế.

Mặt khác, cơ sở hậu cần để tiếp nhận và chuyển tải than cho các dự án điện dùng than nhập khẩu cũng phải được tính toán đồng bộ, trước mắt là với Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 2 và tương lai gần là các dự án Long Phú 1 và Sông Hậu 1 (cùng do PVN làm chủ đầu tư).

PV Power Coal cũng tính toán tìm kiếm cơ hội mua than dài hạn (off take) từ các mỏ than khác thông qua hình thức đầu tư như cổ đông góp vốn để tăng thêm tính chủ động về nguồn nguyên liệu khi các nhà máy đi vào vận hành.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV, cho biết để giữ lại nguồn than phục vụ nội địa, kể từ năm 2014 Việt Nam dự tính chỉ xuất khẩu từ 8 đến 10 triệu tấn/năm, giảm 2/3 so với giai đoạn xuất khẩu “nóng” 2006-2011.

Với nhu cầu tiêu thụ than của Việt Nam ở thời điểm 2020 sẽ gấp 2,5 lần sản lượng khai thác được ở thời điểm hiện có thì tương lai không xa, việc các doanh nghiệp Việt Nam ồ ạt nhập khẩu than từ nước ngoài vẫn là một nghịch lý ở một đất nước có nguồn thu ngân sách lớn từ xuất khẩu than như nhiều năm qua.

Theo TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo