Tin tức - Sự kiện

Tập trung làm rõ tác động không thuận từ giàn khoan 981

Theo nghị trình của kỳ họp thứ 7, vào ngày 2/6 tới, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thắt lưng buộc bụng để tăng đầu tư cho ngư dân bám biển.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn thư ký kỳ họp ngày 30/4 đã gửi văn bản đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận một số nhóm vấn đề cụ thể.

Trong đó đặc biệt tập trung làm rõ những tác động không thuận đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội từ tình hình phức tạp do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Đây cũng là nội dung đã được nhiều ý kiến đề cập tại phiên thảo luận tổ vào sáng 23/5 vừa qua.
 
Báo cáo tổng hợp các ý kiến từ phiên thảo luận này cũng có riêng một mục về các vấn đề liên quan đến chủ quyền ở biển Đông.
 
Theo đó, một số vị đại biểu cho rằng, Đảng và Nhà nước đã có những biện pháp, chính sách phù hợp để xử lý các vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông. Tinh thần yêu nước được thể hiện rõ ràng, được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ. 
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số tổ chức phản động đã kích động, tổ chức biểu tình phá hoại cơ sở sản xuất (như ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh) làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. 
 
Qua thảo luận tại tổ, có ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu tại các địa phương, đơn vị để xảy ra tình hình nêu trên, đoàn thư ký báo cáo Quốc hội.
 
Phản ánh quan điểm từ các tổ thảo luận, báo cáo cho biết có ý kiến cho rằng, đánh giá về tình hình biển Đông chưa sát với tình hình thực tế, chưa cập nhật hết tình hình vụ giàn khoan Hải Dương 981, mới đấu tranh thông qua việc sử dụng luật pháp quốc tế, chưa sử dụng Luật Biển của Việt Nam. 
 
Theo ý kiến đại biểu, phải đánh giá tốt tình hình để tham mưu cho Đảng, Nhà nước. Bảo vệ chủ quyền ở biển Đông cần phải có giải pháp phù hợp, tránh xung đột quân sự, tránh đối đầu, cô lập, lệ thuộc về chính trị, không liên minh quân sự với nước ngoài, nghiên cứu, tăng cường đấu tranh trên lĩnh vực ngoại giao cho phù hợp. 
 
Với Quốc hội, báo cáo phản ánh quan điểm Quốc hội nên có nghị quyết cụ thể về chủ quyền biên giới lãnh hải của Việt Nam, thể hiện lập trường, tính kiên quyết của Việt Nam về vấn đề biển Đông để đại biểu Quốc hội có cơ sở truyền đạt lại cho cử tri.
 
Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có tiếng nói chung trước Quốc hội, phát huy thế mạnh an ninh nhân dân, sức mạnh quân sự, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tăng cường thảo luận về vấn đề biển Đông để đưa ra giải pháp hữu hiệu, khắc phục khó khăn hiện nay.
 
Với những giải pháp trong các tháng còn lại của năm 2014, nhiều ý kiến nhấn mạnh Quốc hội nên có nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã  hội do ảnh hưởng của tình hình diễn ra tại biển Đông.
 
Về kinh tế, cần đánh giá đúng mối quan hệ với Trung Quốc, lường trước và có phương án sẵn sàng đối phó với khả năng Trung Quốc dùng biện pháp kinh tế để chống lại Việt Nam, vì nhiều công trình quan trọng do nhà thầu Trung Quốc thi công. 
 
Bên cạnh đó cần mở rộng thị trường để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
 
Đa số ý kiến đề nghị trong tình hình hiện nay, phải rà soát, gắn quy hoạch phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh để bảo đảm chủ quyền quốc gia. 
 
Theo đó, cần tập trung đầu tư cho kinh tế biển, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng biển đảo, hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác hải sản trên vùng biển chủ quyền, xây dựng các vùng neo đậu để làm nơi hậu cần sửa chữa tàu thuyền, trú bão, cung cấp nguyên liệu cho ngư dân.
 
Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có chính sách đồng bộ và cơ chế đặc thù cho kinh tế biển, ngư dân, gắn kinh tế biển với quốc phòng, an ninh. Bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân đóng tàu bám biển (có thể huy động từ ngành dầu khí, giao thông, các doanh nghiệp thủy hải sản) hoặc hỗ trợ ngư dân thuê tàu với giá ưu đãi; tăng cường đóng các tàu vỏ sắt cấp đông công suất lớn trực tiếp thu mua hải sản tại nơi khai thác.
 
Ngoài ra, cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, hỗ trợ cước phí, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền, phổ biến pháp luật quốc tế cho ngư dân, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng biển đảo, quan tâm công tác hậu cần nghề cá.
 
Tăng ngân sách cho quốc phòng để bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia quan tâm và đầu tư thích đáng cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư nhằm bảo vệ tốt vùng biển quốc gia cũng là ý kiến tại một số tổ thảo luận.
 
Cho rằng cần áp dụng cả Luật Biển Việt Nam vào giải quyết vấn đề ở biển Đông, một số ý kiến cũng đề nghị Chính phủ theo dõi sát sao tình hình trong nước, ngoài nước để có chỉ đạo kịp thời; tạo sự ổn định và đồng thuận trong xã hội, kiên quyết, kiên trì đấu tranh để Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981…
 
Theo nhiều vị đại diện cho dân, cần duy trì quan hệ truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận, cộng đồng quốc tế, tăng cường công tác đối ngoại nhân dân. Xác định rõ đối tượng, đối tác ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông.
VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo