Tập trung phát triển kinh tế biển gắn với chủ quyền tổ quốc
Tập trung phát triển kinh tế biển
Diễn đàn phát triển kinh tế bền vững duyên hải miền Trung (DHMT) ngày 3.6 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp Ngân hàng Thế giới tại VN tổ chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo 9 tỉnh, thành miền Trung từ Hà Tĩnh đến Phú Yên.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khu vực DHMT có vị trí rất quan trọng của đất nước, được ví như chiếc đòn gánh, là cầu nối cho 2 đầu đất nước, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông. Nhưng DHMT vẫn kém phát triển, kinh tế hạ tầng chưa đồng bộ, bình quân hộ nghèo cao... Ngư dân miền Trung từ bao đời nay đánh bắt trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, nhưng hiện đang bị đe dọa bởi giàn khoan trái phép và “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Vừa qua, chúng ta chứng kiến Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển chủ quyền của VN, ngư dân đánh bắt ở ngư trường này bị xua đuổi, thậm chí bị đâm chìm tàu cá. Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lẽ phải và chính nghĩa. Chúng ta rất lo lắng cho sự an toàn cũng như cuộc sống mưu sinh bám biển của người dân. Vì thế, phát triển kinh tế biển càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững vùng DHMT, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo và giảm nghèo bền vững”.
Phó Thủ tướng yêu cầu, chính quyền và người dân các địa phương phải tự lực tự cường, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng. Phải tập trung phân tích những khó khăn, đưa ra các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế biển. Phải tạo được sự liên kết chặt chẽ cho cả vùng, về du lịch, hạ tầng dùng chung, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phòng tránh thiên tai. Phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp và du lịch.
Ưu tiên liên kết vùng
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi về kinh nghiệm huy động nguồn lực, quản lý rủi ro thiên tai, quản lý bền vững nguồn nước cũng như các hình thức liên kết cộng đồng khác nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, vùng DHMT điều kiện khó khăn nhưng tổng doanh thu trong năm qua rất ấn tượng với hơn 300.000 tỉ đồng. Tỉ lệ tăng trưởng hằng năm của vùng đều trên 10%, cao hơn mức trung bình của cả nước. Hiện trong vùng có 7 khu kinh tế, mỗi tỉnh đều có một khu (trừ Quảng Trị và Đà Nẵng). Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng là hai trung tâm thương mại - du lịch lớn của vùng; tỉ trọng phi nông nghiệp tương đối cao nhưng quy mô các ngành lĩnh vực này còn chưa đủ lớn.
Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo cho thấy, trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vùng DHMT đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng đang phải hứng chịu nhiều thách thức, đặc biệt là về thiên tai, biến đổi khí hậu. Bà Victoria KwaKwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN - đề nghị: “Khu vực DHMT cần có cách tiếp cận theo vùng trong phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết phát triển, nhất là phát triển cảng biển, sân bay, phát triển du lịch. Cách tiếp cận theo vùng sẽ giúp khu vực này cùng chung các nguồn lực để phát triển, phát huy tối đa đồng vốn đầu tư trong bối cảnh tài chính hạn hẹp”.
Đại diện Chính phủ, các đối tác phát triển và 9 tỉnh, thành phố đã ra tuyên bố chung về giải pháp phát triển bền vững trong giai đoạn tới, ưu tiên phát triển hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng dùng chung, giảm nghèo bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai... cùng nhiều giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về vốn đầu tư, về nhân lực, giải pháp về cải cách hành chính và tăng cường hợp tác, phát triển thị trường...
End of content
Không có tin nào tiếp theo