Tàu Trung Quốc áp sát, máy bay lượn lờ chụp ảnh
Thông tin từ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, ngày 21/5, Trung Quốc duy trì 95 chiếc tàu các loại hoạt động bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 và bố trí các tàu bảo vệ trên nhiều hướng, trên mỗi hướng Trung Quốc tăng cường từ 2 đến 3 tàu kéo loại lớn.
Các tàu kể trên của Trung Quốc luôn cơ động tiếp cận và sẵn sàng phun nước, đâm va vào các tàu của ta. Trong ngày, các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc đã áp sát, đe dọa, chặn và ép tàu cá vỏ gỗ của ngư dân Việt Nam ra xa khu vực giàn khoan, sẵn sàng đâm va vào các tàu cá của ta.
Các tàu của Việt Nam tiếp tục kiên trì tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách từ 5,5 đến 6,5 hải lý, tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Lúc 8 giờ 5 phút, tàu của Trung Quốc số hiệu 3411 thường xuyên theo sát tàu Cảnh sát biển 8003 của ta ở khoảng cách 1 hải lý. Lúc 8 giờ 38 phút, tàu Cảnh sát biển 8001 phát hiện 1 máy bay trinh sát của Trung Quốc số hiệu J-9-B7175 ở độ cao 300 mét bay xung quanh khu vực tàu Cảnh sát biển 8001 để quay phim, chụp ảnh các lực lượng của ta đang thực hiện nhiệm vụ trên biển. Đến 8 giờ 48 phút, máy bay này bay về và hạ cánh trên giàn khoan Hải Dương 981.
Lúc 8 giờ 40 phút, tàu Cảnh sát biển 8003 phát hiện 1 máy bay trực thăng bay xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 ở độ cao khoảng 300 mét. Lúc 9 giờ 15 phút, tàu Cảnh sát biển 4032 hoạt động ở vùng biển Nam Đông Nam cách giàn khoan 7,5 hải lý, các tàu Trung Quốc số hiệu 2101, 32101 đã cơ động tiếp cận và sẵn sàng đâm va vào tàu của ta. Lúc 9 giờ 20 phút, tàu Cảnh sát biển 8003 phát hiện máy bay trực thăng của Trung Quốc số hiệu B7115 bay lượn 4 vòng xung quanh tàu ở độ cao 100 đến 150 mét (trên máy bay có 4 người, 1 người chụp ảnh). Đến 9 giờ 45 phút, máy bay này bay về và đậu trên tàu 3383 của Trung Quốc.
Đến 10 giờ 10 phút tàu Cảnh sát biển 8003 quan sát phát hiện có 66 tàu Trung Quốc. Trong đó có: 26 tàu Hải cảnh, Hải giám, Hải tuần, Ngư chính; 2 tàu kéo; 5 tàu hàng; 33 tàu cá vỏ sắt bảo vệ giàn khoan.
* Chiều 21/5, Cục Kiểm ngư cho biết, tàu chấp pháp của Việt Nam đã tiến gần hơn giàn khoan Hải Dương 981 so với những ngày trước.
* Chiều ngày 21/5, tàu CSB 2016 của Việt Nam đã có mặt trên vùng biển Hoàng Sa. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại vùng biển Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, tàu còn hướng dẫn, bảo vệ ngư dân Việt Nam đang khai thác tại ngư trường và tìm kiếm các tàu cá Trung Quốc đang xâm nhập trái phép vùng biển của Việt Nam.
Trên đường theo tàu thực hiện nhiệm vụ, phóng viên Tiền Phong gặp nhiều tàu của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt tại ngư trường này. Ngư dân đều quyết tâm bám biển, dù đối mặt với sự ngăn cản, đe dọa của các tàu hải giám của Trung Quốc.
Ngư dân Bùi Tấn Hoàng ở Bình Định cho biết, tàu của anh đang đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam nên không ngại việc cản trở trái phép của các tàu kiểm ngư, hải giám Trung Quốc.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cột tin quảng cáo