Chiều 5.12, Hiệp hội Taxi TP.HCM có buổi gặp gỡ báo chí để phản ánh về sự lo ngại đối với hoạt động của dịch vụ taxi Uber.
Sẽ đến lúc Uber độc quyền
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Uber đang điều động xe và lái xe không đủ điều kiện hành nghề taxi để đưa đón khách, trốn tránh làm nghĩa vụ thuế, phí; tránh né trách nhiệm hình sự, dân sự. Tại sao Uber có giá cước rẻ hơn taxi truyền thống? Ông Hỷ cho rằng taxi truyền thống ngoài việc đầu tư phương tiện còn phải chịu rất nhiều loại thuế, phí, trả lãi vay ngân hàng, đóng bảo hiểm xe, bảo hiểm cho khách hàng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... trong khi Uber không tốn một đồng nào. “Uber là một tập đoàn đa quốc gia, nên khi thâm nhập vào một thị trường mới như VN thì họ thường dùng các chiêu trò, rồi lợi dụng chính sách về pháp luật của nước sở tại để từng bước tận diệt các công ty taxi truyền thống. Đến khi họ đã độc quyền rồi nhà nước muốn quản lý cũng rất khó. Vì vậy, Chính phủ cần phải cân nhắc hết sức kỹ trước khi cho phép hoạt động tại VN”, ông Hỷ nói.
Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT về những hệ lụy trước mắt và lâu dài nếu cho phép Uber hoạt động chính thức ở VN. Đó là quy hoạch về phát triển hoạt động taxi tại VN, nhất là tại TP.HCM, Hà Nội bị phá vỡ. Cụ thể, tại TP.HCM quy hoạch taxi đến năm 2020 là 12.000 xe, nếu cho Uber hoạt động, quy hoạch này sẽ không thể thực hiện. Một vấn đề khác, Chính phủ đang buộc taxi truyền thống phải gắn hộp đen, giám sát hành trình, in hóa đơn lồng vào đồng hồ tính cước... trong khi taxi Uber lại không chịu các quy định này.
Thu nhập của người lái taxi bị đe dọa
Uber phát triển đồng nghĩa với nồi cơm của người lái taxi cạn đi. Theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, đó là nguyên nhân vì sao ở nhiều nước trên thế giới lái xe taxi đình công, biểu tình chống Uber. Ông Hỷ đề nghị Chính phủ cần có chính sách và cơ chế hỗ trợ, bảo hộ cho taxi truyền thống giống như chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Bản thân các DN taxi truyền thống cũng đang rất muốn đầu tư hiện đại hóa về công nghệ. Thế nhưng, trong hoàn cảnh kinh tế chung của đất nước hiện rất khó khăn, không riêng gì các DN kinh doanh vận tải taxi mà cả các DN loại hình khác, muốn hiện đại hóa nhưng lực bất tòng tâm. Dù theo ông Hỷ, các hãng taxi truyền thống vẫn phải phấn đấu để cải tiến công nghệ, giải quyết thói hư tật xấu của lái xe, phục vụ khách hàng thật tốt. Nếu Chính phủ chấp nhận cho Uber và các hãng khác vào VN thì phải có giải pháp hỗ trợ về công nghệ cho taxi truyền thống, đừng để DN trong nước chết.
Cũng theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, trong khi Chính phủ chưa có văn bản nào mới để thay thế hoặc bổ sung Nghị định 86 (quy định VN có 6 loại hình kinh doanh vận tải, mỗi loại hình có những điều kiện kinh doanh riêng) thì phải xem đây là cơ sở pháp lý cơ bản trong hoạt động vận tải. Bất cứ DN, cá nhân chưa đáp ứng được các quy định của Nghị định 86 thì chưa được phép hoạt động.
“Chúng ta không bài xích các thành tựu khoa học của thế giới. Nhưng để tiếp nhận nó còn phụ thuộc vào năng lực, trình độ, mặt bằng dân trí từng lúc từng nơi. Mong rằng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ cân nhắc kỹ. Có thể hoãn 1 - 2 năm để các DN taxi truyền thống cải tiến, đầu tư công nghệ như Uber”, ông Hỷ kiến nghị.
Sáng 5.12, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM tổ chức 2 điểm kiểm tra các xe hoạt động chở khách sử dụng phần mềm Uber. Tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, thanh tra đã lập 4 biên bản đối với 4 ô tô hoạt động taxi nhưng không đăng ký kinh doanh taxi. Các xe này cài phần mềm Uber và thu tiền của khách qua thẻ Visa. Tại Bến xe Miền Đông có 2 xe Uber bị lập biên bản với lỗi tương tự.
Theo Thanh niên