Tin tức - Sự kiện

Tây Ninh: Cơm công nhân - vừa ăn vừa... ớn

Những bữa ăn công nhân quá èo uột, thiếu dinh dưỡng và còn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn.

Theo ghi nhận, giá thành mỗi suất ăn công nhân ở Tây Ninh trung bình chỉ từ 8.000 - 15.000 đồng, thậm chí có doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức 7.000 đồng/suất. Trong khi đó, giá cả thị trường vẫn tăng nhiều hơn giảm. Điều đó đồng nghĩa với việc thực phẩm chế biến cho bữa ăn công nhân hết sức giới hạn, khó có thể bảo đảm yêu cầu tươi ngon, đủ chất lượng dinh dưỡng được.

Dở như bữa ăn tập thể...…

Tại một công ty may ở phường 3, thành phố Tây Ninh, suất ăn công nhân trị giá 8.800 đồng. Khẩu phần chỉ vài miếng đậu hủ kho với chút ít thịt heo và măng xào. Một công nhân ở đây cho biết, do thức ăn quá ít, nên: “Tụi em ăn không đủ đâu vào đâu hết! Canh thì lõng bõng nước với vài cọng rau. Vì thế, đến khoảng nửa buổi chiều là tụi em thấy đói meo”.

Cũng qua kiểm tra bếp ăn tập thể tại một số đơn vị doanh nghiệp, đoàn kiểm tra phát hiện vẫn còn những bếp ăn chưa bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số hiện tượng vi phạm phổ biến như: Khu chế biến không bảo đảm quy trình một chiều, kém vệ sinh; hầu hết thực phẩm chế biến không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; người trực tiếp tham gia chế biến không được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, không trang bị bảo hộ lao động khi chế biến...

Bữa ăn công nhân vốn nghèo dinh dưỡng, lại không bảo đảm vệ sinh như thế đã khiến cho nhiều công nhân có tâm lý… ngán ăn. Chị Nguyễn Thị Nhanh làm việc tại Khu công nghiệp Trảng Bàng nói: “Đến bữa ăn giữa ca, công nhân chúng tôi có thời gian khoảng 30 phút để vừa ăn uống vừa nghỉ ngơi, nhưng chỉ nội việc xếp hàng chờ lấy thức ăn đã mất khoảng 10 phút rồi.

Nhiều lúc mệt mỏi, đói bụng nhưng cứ nhìn thấy thức ăn là… ngán tới cổ, xoay đi xoay lại cũng chỉ mấy món. Có hôm ăn món cá biển kho mà ớn, vì cá không được làm ruột cho sạch sẽ”. Cũng vì ngán ngẩm, nên có hôm chị Nhanh ở lại xưởng để nghỉ ngơi, chấp nhận bỏ luôn bữa cơm.

Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Thị Cúc làm việc tại một công ty nước ngoài ở Mộc Bài, Bến Cầu cho biết, thức ăn dành cho công nhân nhiều bữa… dở lắm, nhìn thấy miếng thịt đã thâm tím mà phát ớn, nhưng vẫn phải ráng ăn cho qua bữa. Vì thế, thỉnh thoảng, chị Cúc phải giở theo muối tôm, đến giờ ăn chị chỉ lấy cơm trắng để ăn với muối tự mang theo.

Cơm nhà cũng chẳng sang hơn!

Sau giờ tan ca, nhiều công nhân lại vội vã tìm đến các chợ tự phát trước công ty, xí nghiệp. Thực phẩm tại các chợ tự phát hầu như đều không có nguồn gốc rõ ràng. Chúng thường có giá rất rẻ, có khi chỉ bằng nửa giá so với thực phẩm ở các chợ khác.

Dĩ nhiên là tiền nào của nấy, giá cả như thế thì làm sao có thể là thực phẩm tươi ngon được? Chưa kể, chúng thường không được che đậy kỹ càng, ruồi nhặng tha hồ bu đen thui. Với đồng lương ít ỏi của mình, hầu hết công nhân đều không có lựa chọn nào khác cho bữa ăn hằng ngày của mình ngoài yếu tố ưu tiên- rẻ là được!

Tại khu chợ tự phát gần Công ty cổ phần Việt Nam - Mộc Bài, khi thấy công nhân ồ ạt tan ca, người bán hàng mới vội vàng dùng tay xua lũ ruồi đi, rồi nhanh chóng “tân trang” lại mớ thực phẩm cốt để “coi cho được mắt” hơn, sau đó sốt sắng mời gọi, chào bán giá… không thể rẻ hơn!

Chợ tự phát này là điểm đến quen thuộc thường xuyên của số đông công nhân Công ty cổ phần Việt Nam - Mộc Bài. Chị Tô Thị Tỏ, công nhân cho hay, chỉ tại đây, chị mới có thể mua 3 bó rau đắng, một con cá lóc nhỏ mà chỉ tốn… 15.000 đồng- đủ cho bữa ăn tối và dành lại một ít cho bữa sáng ngày mai. Kể về cuộc sống hằng ngày của mình, chị Tỏ nói: “Đồng lương mỗi tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng, mình ăn nhiều thì lấy gì mà gửi về nuôi con?”.

Tình cảnh của chị Neang’ Sóc Kha- một đồng nghiệp chung công ty với chị Tỏ cũng không khá hơn. Quanh đi quẩn lại qua các gian hàng ở chợ tự phát, cuối cùng chị Sóc Kha chỉ chọn mua được một bó rau ba khía.

Phải tiết kiệm tối đa thôi, bởi lãnh lương xong còn phải chi đủ thứ: tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền dành dụm gửi về nhà… mặc nhiên, phần dành lại cho bữa ăn hằng ngày chẳng còn được bao nhiêu. Nhiều người khác cũng như chị- đều biết thức ăn bán ở chợ công nhân chẳng tươi ngon, bổ dưỡng gì nhưng đành phải chấp nhận mà thôi.

Cảnh báo về ngộ độc thực phẩm

Nói về bữa ăn công nhân, ông Đoàn Xuân Tứ- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận định, trong thời buổi vật giá leo thang với mức giá suất ăn công nhân như thế mà muốn có được một bữa ăn chất lượng, đủ đầy dinh dưỡng quả là điều rất khó.

Chất lượng bữa ăn như vậy, công nhân không thể nào có đủ dinh dưỡng để tái tạo sức lao động được. Ông cũng cho biết, từ đầu năm đến 22.4.2014 vừa qua, chưa đầy 4 tháng cả nước đã xảy ra 38 vụ ngộ độc, với 1.954 người mắc phải, tử vong 15 người, đa số các vụ ngộ độc xảy ra ở các bếp ăn tập thể.

Tại Tây Ninh, từ đầu năm đến tháng 4 cũng đã xảy ra một vụ ngộ độc với 143 người mắc, may mắn là chưa có trường hợp tử vong. Con số này cho thấy nguy cơ ngộ độc vẫn đang rình rập ở các bếp ăn tập thể.

Ông Tứ nhận định, thực tế trong thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp cũng đã thực hiện tốt việc giám sát chất lượng bữa ăn công nhân. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ doanh nghiệp buông lỏng khâu này, phó mặc cho các cơ sở cung cấp suất ăn.

Sự lơ là của chủ doanh nghiệp, cộng với sự thiếu trách nhiệm của cơ sở cung cấp suất ăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn công nhân.

Đề cập vấn đề trên, bà Mai Thị Kim Hoa- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, trên thực tế, tiền lương của công nhân có tăng dần theo từng năm nhưng bữa cơm công nhân thì vẫn không “nhích” được chút nào.

Trong Bộ luật Lao động chỉ thể hiện việc khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện bữa ăn công nhân từ 15.000 đồng trở lên chứ không có bắt buộc. Vì thế, việc yêu cầu các doanh nghiệp tăng giá trị khẩu phần ăn của công nhân lên là rất khó.

Tuy nhiên, để góp phần cải thiện bữa ăn giữa ca cho người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ có kế hoạch mở lớp tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cán bộ Công đoàn, để giúp các cấp Công đoàn có ý thức và kiến thức nhiều hơn trong việc giám sát chất lượng bữa ăn công nhân tại bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp.

Đồng thời, các cấp Công đoàn sẽ thường xuyên nắm tình hình, ý kiến của công nhân về bữa ăn để có cơ sở kiến nghị lên ban giám đốc doanh nghiệp, đề xuất hướng điều chỉnh hợp lý. Bên cạnh đó, trong các cuộc đối thoại giữa người lao động với chủ doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động cũng sẽ đưa vấn đề chất lượng bữa ăn công nhân vào để thảo luận.

Có thể nói, hiện nay chất lượng bữa ăn công nhân- từ xí nghiệp cho đến nhà trọ đều èo uột và thiếu an toàn. Với thực trạng này, về lâu về dài sức khoẻ của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến năng suất lao động cũng ngày càng suy giảm.

Vấn đề này rất cần sự quan tâm tích cực của các ngành chức năng lẫn các chủ doanh nghiệp để bữa ăn công nhân được cải thiện tốt hơn, có thế mới mong duy trì được một nguồn lao động bền vững.

Theo Tây Ninh Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo