Tết Ất Mùi tản mạn chuyện dê
Dê là loài động vật nhai lại, chân có móng. Dê có một bộ lông mịn bao phủ khắp người. Bộ lông có thể chỉ có một màu hoặc nhiều màu, thường là màu đen, xám, trắng, nâu... Ở đa số loài dê thì giống đực có sừng, còn giống cái thì không.
Sừng dê có nhiều hình dáng, như cong ngược về phía sau, thẳng đứng, uốn cong hình trôn ốc... Cả dê cái và dê đực đều có râu. Bộ máy tiêu hóa của dê được cấu tạo để có thể tiêu hóa được đủ loại thức ăn khác nhau như vỏ cây, các loại cây cỏ cằn cỗi... Dê có mặt ở gần như khắp nơi trên thế giới.
Trong văn hóa, dê hiện diện cả ở phương Tây lẫn phương Đông. Dê có mặt trong thần thoại Hi Lạp với vai nghĩa mẫu của thần Zớt. Dê xuất hiện cả trong Kinh Thánh của Ki Tô giáo. Còn ở phương Đông, dê đứng hàng thứ tám trong 12 con giáp, với tên gọi là Mùi.
Ở Việt Nam chúng ta, ngay từ nhỏ, mới bước chân vào trường mầm non đã được biết đến dê qua câu chuyện hai chú dê con đi qua cầu, không chú nào nhường nhau nên cả hai cùng té ùm xuống suối. Hay nữa là trò chơi bịt mắt bắt dê.
Lớn lên chút nữa thì gặp dê trong Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, khi ví bọn sứ giả Mông Cổ “Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình/Đem thân dê chó mà ngạo mạn tể tướng”. Hay Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ đồ Chiểu với lời chê trách những kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc “Hai vầng nhật nguyệt chói lòa/đâu dung lũ treo dê bán chó”…
Còn trong dân gian thì khỏi phải nói, dê hiện diện khắp nơi và thường bị gắn với tính xấu. Đại để người đời thường mắng mấy quý ông có máu lăng nhăng là “đồ dê cụ”, “đồ dê xồm”, “cái ngữ có máu 35”, thậm chí chỉ cần kêu hai tiếng “be he” như dê kêu là biết hàm ý gì…
Nhân nói đến con số 35 gắn với con dê, nhiều người đã thử tìm hiểu xem vì sao con dê lại gắn với con số này? Một sự ngẫu nhiên chăng, hay là có nguyên cớ nào? Tôi lục tung nhiều thứ sách vở nhưng chẳng có một đáp án nào mang tính chính thống.
Có nơi thì bảo dê đứng hàng thứ 8 trong 12 con giáp, mà 8 thì bằng 3+5 nên là 35! Nhưng xem ra cách giải thích này có vẻ hợp lý hơn cả: Con dê gắn với số 35 là do dân chơi đề đóm mà ra. Mà chuyện đề đóm chỉ có ở Việt Nam ta, chứ chẳng có nơi nào trên thế giới gán con dê ứng với số 35.
Và nguyên do là thế này: Vào thập niên 1960, ở sòng bạc Đại thế giới (thuộc quận 5, TP.HCM bây giờ) người ta bày ra trò xổ số trúng thưởng - tiền thân của chơi đề sau này.
Ngày ấy, chẳng phải ai cũng biết chữ, biết số nên nhà cái mới vẽ hình những con thú, đồ vật… gắn bó với dân gian để người chơi đặt tiền vào. Ví dụ số 1 là con cá trắng, số 2 là con ốc, số 3 là con vịt, số 4 là con công… số 12 là con ngựa… và số 35 là con dê… cho đến cuối cùng số 40 là ông Táo.
Từ đó con số 35 gắn với dê, nên chỉ cần nói “cái đồ 35” là hiểu ngay câu mắng dành cho người có tính hám gái!
Nhưng tại sao con dê lại gắn với chuyện lăng nhăng? Cái này mà nói với người Việt có lẽ là thừa, bởi gần như ai cũng biết con dê đực nổi tiếng một mình phục vụ cả một chuồng dê cái mấy chục con.
Song thói đời xấu chưa hẳn là vô dụng! Ai cũng cười cợt con dê, nhưng khối người săn lùng thịt dê mà xơi, đặc biệt là cái bộ phận đã giúp chú dê đực đủ sức đảm đương mấy chục nàng dê cái. Cái thứ ấy người Việt đã văn vẻ nó lên một tí với tên gọi là “súng đạn”!
Thứ này, vào mấy quán thịt dê, chỉ những thực khách có máu mặt mới được ưu tiên, còn dân lơ mơ, bảo đảm 100% là xơi “súng đạn” của bò!
Thôi, thế cũng là một chút an ủi cho con dê vậy khi con người cười cợt nó, nhưng dễ gì có hàng độc của nó mà xơi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản