TGĐ Vinalines: Khối nợ rất lớn, bán tàu cắt lỗ nhanh!
Sau khi các chuyên gia kinh tế đã phân tích về việc Tổng công ty hàng hải Việt Nam - Vinalines xin xóa bỏ một số con tàu, cũng như loại bỏ chi phí xây dựng một số con tàu khỏi danh mục giá trị tài sản DN, Tổng giám đốc công ty - Lê Anh Sơn đã lên tiếng để làm rõ hơn về vấn đề này.
Loại bỏ để không bị lỗ kéo dài
Trong cuộc họp mới đây về cổ phần hóa, ông đã kiến nghị loại 5 con tàu (gồm Vinalines Global, Vinalines Ocean, Vinalines Sky, Vinalines Trader và Vinalines Ruby) khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, Vinalines cũng xin loại chi phí xây dựng cơ bản dở dang của 4 tàu đang đóng gồm một tàu 1.800 TEU và các tàu Liberty, Victory và Mercy. Ông có thể phân tích rõ, mục đích của đề xuất loại tài sản khỏi danh mục xác định giá trị doanh nghiệp này của Vinalines?
Tương lai chúng tôi tính rằng nếu thị trường tiếp tục xấu như hiện nay thì việc kinh doanh của các con tàu sẽ tiếp tục lỗ, vì thế nên phải xử lý; xử lý để quá trình cổ phần hóa sẽ lành mạnh hơn.
Cắt lỗ ngày hôm nay sẽ có lợi ích hơn là để lỗ kéo dài. Bởi vì chúng tôi kinh doanh, phải tính toán làm sao để đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp và có hiệu quả nhất.
Mục tiêu chính của chúng tôi là cắt lỗ và lành mạnh hóa tài chính, có như vậy mới ổn định và mong phát triển bền vững được; từ đó mới có thể thu hút được các nhà đầu tư khi tiến hành cổ phần hóa.
Bây giờ, nếu tiếp tục để các con tàu này thì sẽ tiếp tục thua lỗ, chi bằng ta xử lý ngày hôm nay để tập trung nguồn lực vào lĩnh vực khác có hiệu quả hơn. Còn nếu như không xử lý ngày hôm nay thì có nghĩa trong tương lai vốn nhà nước sẽ vẫn bị thâm hụt.
Thưa ông, giả định trường hợp đề xuất của Vinalines được chấp thuận, tài sản gồm 5 con tàu, và chi phí xây dựng cơ bản của 4 tàu đang đóng dở sẽ nằm ở đâu và thuộc về ai?
Vinalines sẽ bán các con tàu này đi , khoản tiền thu được sẽ tập trung để xử lý các khoản nợ vay khi đầu tư tàu.
Quan trọng là khoản nợ đi kèm theo hiện nay khá lớn. Hiện tại, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục đàm phán với các Ngân hàng cả quốc tế và trong nước, một số khoản sẽ được hoán đổi, một số khoản chúng tôi thanh toán bằng tiền từ việc xử lý tài sản đó.
Trong bối cảnh còn nhiều nghi ngại về việc bán tài sản dưới giá vốn, ông đã bao giờ nghĩ đến giả thiết, nếu đồng tình với đề xuất trên của Vinalines thì sẽ tạo một tiền lệ xấu trong việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước hay không?
Ông Lê Anh Sơn: - Đầu tư kinh doanh bất kì lĩnh vực nào cũng thế, không phải lúc nào mình cũng kinh doanh hiệu quả ngay lập tức được. Khi mà đã không hiệu quả thì phải cắt ngay, để mình đưa những khoản hiệu quả hơn bù đắp vào đó.
Trước đây khi thị trường tốt, Vinalines tập trung phát triển đội tàu, tập trung kinh doanh vận tải biển và thực tế cũng đã mang về nguồn lợi nhuận không nhỏ và góp phần phát triển Tổng công ty.
Tuy nhiên hiện nay khi thị trường suy thoái kéo dài đã lâu, giá cước vận tải biển quá thấp, chúng tôi xác định cần phải tập trung khai thác cảng biển, dịch vụ để có lợi nhuận, để bù đắp những khoản vận tải biển thua lỗ . Xác định được như vậy nên trong quá trình hoạt động điều hành , chỗ nào không hiệu quả thì xử lý ngay, có như vậy mới là kinh doanh.
Khó khăn lớn nhất là nợ
Vậy trong quá trình tiến hành cổ phần hóa hiện nay, khó khăn đối với Vinalines là gì, thưa ông?
Trước mắt chủ yếu là nợ, khối nợ rất lớn, nên hiện tại chúng tôi phải cơ cấu lại khoản nợ đó theo nhiều hình thức khác nhau như giãn, hoán đổi, khoanh nợ…
Hiện nay các ngân hàng trong đó có các nước ngoài, sau khi nghe Vinalines trình bày, cũng đã chấp nhận xóa lãi, không tính lãi hàng triệu đô, trong đó bao gồm các Ngân hàng rất lớn, các tổ chức quốc tế, đây là việc tốt.
Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với một loạt các ngân hàng và mong nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện cho Vinalines.
Có thông tin, Vinalines đề nghị Chính phủ xóa toàn bộ nợ lãi và xóa 70% nợ gốc đối với tất cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước mà không phân biệt mục đích cho vay được thông qua, phải không, thưa ông?
Vinalines chưa bao giờ yêu cầu xóa 70% nợ gốc đối với các ngân hàng, vì chúng tôi hiểu rằng đòi hỏi như vậy là không khả thi.
Chúng tôi chỉ bắt đầu đàm phán với các Ngân hàng, đầu tiên là các ngân hàng quốc tế, nhiều ngân hàng nhìn thấy sức sống và có niềm tin vào sự hồi sinh của Vinalines nên đã xóa, bỏ lãi cho chúng tôi.
Trong khi Vinalines xin cho 5 con tàu thuộc quyền quản lý của mình được nằm ngoài vốn khi định giá tài sản thì Vinashin lại xin xẻ các con tàu ma, như New Energy, New Phoenix, Hoa Sen...ra để bán sắt vụn giá rẻ vì không thể làm gì với các con tàu này được nữa. Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng, từ xin để ngoài vốn đến chỗ xin phá ra bán sắt vụn là một lộ trình đã được biết trước của Tổng công ty hàng hải?
Tôi khẳng định là các con tàu hiện nay của Vinalines đều hoạt động tốt nhưng chỉ có điều trước kia thì nó có lãi, khi kinh tế phát triển thì lãi, nhưng khi kinh tế suy thoái cho đến nay đã là năm thứ 6, thì hoạt động thua lỗ.
Sự thật là khi có rất nhiều DN vận tải biển trên thế giới phá sản, chúng tôi tồn tại cũng đã là một cố gắng, nỗ lực rất lớn. Ngay hãng tàu lớn thứ 2 của Nhật Bản đã phá sản năm 2012, STX của Hàn Quốc mặc dù có tiềm lực mạnh, lâu đời cũng nộp đơn phá sản, một DN vận tải biển khác của nước Anh với 400 năm lịch sử cũng phá sản.
Cho nên, chúng tôi không muốn phá sản thì trước tiên phải tái cơ cấu chính mình thì mới tồn tại được, những cái gì không hiệu quả thì phải xử lý.
Chỉ còn con đường tái cơ cấu
Thưa ông, nhiều người nhận định, đang có một xu hướng xin ưu đãi để… tái cơ cấu. Điều này có chứng tỏ thêm nghi ngờ của dư luận về nhóm lợi ích trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không?
Ai cũng biết nếu không tái cơ cấu thì Vinalines không có con đường nào khác, mà có tái cơ cấu xong thì mới có tương lai.
Hơn nữa, trong các ngành kinh tế, vận tải biển là ngành suy thoái nặng nhất, ngày trước cước vận tải có thể được 10 đồng, thì giờ chỉ còn 1 đồng có khi chỉ là 0.7 -0.8 đồng. Rất nhiều DN nước ngoài phá sản, kể cả trong nước nhưng vẫn có nhiều DN hồi sinh được vì họ biết phải cắt lỗ ngay, đó là quy luật của thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng rơi vào tình trạng thua lỗ như hiện nay là do Vinalines đã có quá trình đầu tư ồ ạt, nóng vội nên mới dẫn đến hệ quả này. Quan điểm của ông ra sao?
Thực ra công tác dự báo tất cả giai đoạn 2006-2008 của thế giới, của VN đều nhìn nhận thị trường sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai và rất nhiều công ty nước ngoài đổ tiền vào đầu tư tàu biển, các DN vận tải biển của Việt Nam trong đó có Vinalines cũng không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên từ giữa năm 2008, nền kinh tế kinh tế thế giới rơi vào suy thoái quá nhanh, quá sâu và kéo dài, nhiều công ty phải phá sản hoặc cố gắng cầm cự, Vinalines cũng rơi vào vòng xoáy đó. Một số lĩnh vực kinh tế trên thế giới, cũng như ở VN đã phục hồi riêng vận tải biển thì rất yếu ớt, suy thoái kéo dài, giá cước giảm mạnh, đáy nọ phá đáy kia.
Chính vì vậy nên Vinalines đang cố gắng tái cơ cấu để hồi sinh?Vinalines đã tính đến cách để hạn chế thoát vốn, tài sản của nhà nước?
Chúng tôi đang làm ở đây là lành mạnh hóa tài chính của chính DN, để DN có sức cạnh tranh tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Trước tiên, DN chúng tôi là người có lợi, những người lao động có lợi, những nhà đầu tư mới sau này tham gia vào thì thấy tiền sinh lời nên họ đầu tư. Đáp ứng được các tiêu chí đó thì mới gọi là tái cơ cấu thành công, nếu chúng ta bình mới rượu cũ thì không có ý nghĩa gì.
Có nghĩa là chúng ta chỉ thay đổi hình thức này sang hình thức khác nhưng chất bên trong không thay đổi thì tái cơ cấu sẽ không hiệu quả.
Tuy nhiên thị trường cũng có những khắc nghiệt của nó, cũng không lường hết được, dự báo cũng không thể đúng hết được, có những lúc mình phát triển rất tốt, có những lúc rơi xuống đáy như ngày nay, nên chúng tôi phải xử lý khẩn trương để tiếp tục phục hồi trở lại, đó là quy luật chung của thị trường, DN nào cũng như vậy thôi.
Và cũng không còn con đường nào khác, chỉ có tái cơ cấu thành công thì Vinalines mới có cơ hội tôn f tại phát triển bền vững, có thương hiệu riêng, ai cũng mong muốn như vậy.
Công việc đầu tiên chúng tôi đang tiến hành là định giá tài sản, xử lý tài chính theo quy định của nhà nước và quyết tâm thực hiện việc tái cơ cấu Vinalines thành công.
Xin cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển