Thách thức chưa giảm
Trong quý I.2013, nền kinh tế nước ta đã có những kết quả tích cực khi lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, tăng trưởng GDP vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu tiếp tục đà tăng cao... Song nền kinh tế được nhìn nhận là còn khó khăn, thách thức, chứa nhiều rủi ro.
Trong ba tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nghị quyết của QH, Chính phủ và đạt được nhiều kết quả khả quan, bám sát mục tiêu tổng quát. Trong đó, nổi bật là lạm phát được kiềm chế, giá các mặt hàng tương đối ổn định. Chỉ số tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 đã giảm 0,19% so với tháng trước đó, là tháng có chỉ số giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp. Mức tăng CPI trong tháng 3 cũng là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ bốn năm qua. Bên cạnh đó, một tín hiệu khả quan cho phát triển kinh tế trong năm 2013 là tăng trưởng GDP trong quý I cao hơn so với cùng kỳ năm 2012, đạt 4,89%. Chỉ số tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành là nông, lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng cao hơn tốc độ chung.
Một điểm nổi bật khác là kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước từ chỗ chỉ tăng 3,1% trong năm 2012 thì hiện đã tăng 10,1%, và giảm chênh lệch so với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị cũng tăng khá. Khi kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu đều tăng khá có nghĩa là sản xuất trong nước đang phục hồi. Và có thể khẳng định như vậy khi xem xét công bố nghiên cứu về chỉ số quản lý mua hàng ngành sản xuất (PMI) được Ngân hàng SHB vừa công bố. Chỉ số PMI trong tháng 3 của nước ta đã vượt mức trung bình 50 điểm (đạt mức 50,8 điểm). Sản lượng sản xuất và số lượng đơn đặt hàng mới cũng phục hồi sau khi liên tục giảm ở những tháng gần đây. Đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng lần đầu tiên tăng trong 11 tháng qua.
Dù vậy, phát biểu tại họp báo công bố kết quả Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 3, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, chưa thể chủ quan trong điều hành chính sách dù các thông số kinh tế đã tốt hơn. Bởi sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đều tăng thấp hơn cùng kỳ những năm ngoái, đặc biệt nông nghiệp có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, biến động của thị trường tiêu thụ. Hay như, dù 60% doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong năm 2012 đã hoạt động trở lại, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 6,8% về số lượng và 16,1% về vốn so với cùng kỳ năm 2012. Ngoài ra, lãi suất cho vay tuy giảm nhẹ song vẫn còn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; công nghiệp, xây dựng có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, thách thức với những tháng còn lại trong năm chưa hề giảm. Trước hết, việc điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu nếu không minh bạch, công khai và có lộ trình bài bản sẽ tạo sức ép đến kiềm chế lạm phát, tăng chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong khi đó, tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chậm được xử lý. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như gạo, thủy sản, dệt may... đều không có nhiều tín hiệu khả quan trong thời gian tới. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I.2013 vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho năm 2013 (5,5%). Điều này đặt ra cho các quý sau nhiệm vụ nặng nề là phải tăng cao hơn tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước mới thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Ý thức rõ những khó khăn đối với nền kinh tế trong những tháng tới, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất sẽ không chủ quan trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, nhất là một số chính sách về giá. Đồng thời, khẩn trương triển khai các giải pháp, chính sách về thuế đã ban hành, trình QH sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng... nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất. Đôn đốc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và tín dụng Nhà nước, xem xét ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2014. Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cũng khẳng định, mục tiêu trọng tâm trong các tháng tới là tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, cũng như có biện pháp đẩy nhanh tiến độ đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư.
Quyết Thắng
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Cột tin quảng cáo