Thị trường

Thái Lan: Thách thức trực diện của Việt Nam năm 2015

Tại diễn đàn LifeB Forum, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, năm 2015 Việt Nam “nên nhìn nhiều vào những thách thức ở ngay chính khu vực ASEAN”

Bà Phạm Chi Lan nói về thách thức của Việt Nam năm 2015 tại diễn đàn LifeB Forum

 

Năm 2015 đánh dấu 20 năm Việt Nam hội nhập quốc tế. Tháng 7 năm 1995 là một tháng rất đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Đó là thời điểm mà Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Cũng tháng 7 năm đó chúng ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Sự kiện thứ ba là Việt Nam ký Hiệp định khu với Liên minh châu Âu. 20 năm sau đó chúng ta chuẩn bị ký hiệp định tiếp theo Hiệp định mậu dịch tự do.

Với ASEAN sau 20 năm Việt Nam từ việc bắt đầu tham gia ASEAN thì cuối năm nay cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức hình thành.

Với Mỹ, 20 năm trước đây nước ta bình thường hóa quan hệ về ngoại giao. Phải tới 6 năm sau đó, năm 2001,  Hiệp định thương mại song phương Hoa Kỳ - Việt Nam mới ra đời. Và năm 2015 này sẽ có Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhìn lại chặng đường hội nhập quốc tế của Việt Nam, bà Phạm Chi Lan nhận xét: “Sau 20 năm thì mình dường như là hội nhập nhưng lại bị khoảng cách với họ xa ra”. Bà cũng dự đoán “Năm 2015 có thể một bước xa của Việt Nam trong những năm tới. Nếu làm tốt chúng ta có thể đi rất xa nhưng nếu không thì có thể những cái không thành công trong 20 năm qua lại lặp lại.”

Chiến lược Thái Lan +1 và nỗi lo thuộc nhóm nước nhập khẩu

Nói về thách thức cộng đồng kinh tế ASEAN, sức ép cạnh tranh đang ngày càng tăng lên ngay trong chính cộng đồng kinh tế này, nhất là những nước tiên tiến hơn ASEAN. Hai năm vừa qua là một cuộc đổ bộ rầm rộ của các công ty Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines … vào Việt Nam. Một nghiên cứu của tổ chức quốc tế chuyên tư vấn cho các công ty đa quốc gia đánh giá Việt Nam có một số lĩnh vực có khả năng cạnh tranh nhưng trên vô số lĩnh vực kém cạnh tranh hơn, thậm chí có những ngành khoảng cách rất lớn.

Như vậy, có khả năng là Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển được nhưng không đạt được kỳ vọng như mình mong muốn là đi lên một bậc cao hơn trong phát triển.

Các doanh nghiệp chia làm nhiều tầng khác nhau, xuất phát bắt đầu từ tầng thấp rồi lên tầng trung, tầng cao nữa. Trình độ các mặt của Việt Nam vẫn làm ở tầm thấp. Trong khi các doanh nghiệp khác của Thái Lan, người ta tin rằng họ có triển vọng bứt hẳn lên trong cộng đồng kinh tế ASEAN, vượt lên tầm cao hơn trong chuỗi sản xuất trong khu vực. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lấy dẫn chứng về ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam: Chúng ta có chiến lược phát triển đến mười mấy năm nay rồi. Có đến mười mấy nhà đầu tư nước ngoài làm ô tô ở Việt Nam như họ làm gì, chủ yếu lắp ráp chứ không làm gì hơn. Và lắp ráp cũng ở quy mô rất nhỏ. Bây giờ chính bản thân các nhà lắp ráp đó đang ngày càng thay dần việc lắp ráp ở Việt Nam bằng việc nhập ô tô nguyên chiếc của họ, được sản xuất ở các nước khác. Bởi vì, thuế giảm.
 
Năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm, cái đó tất yếu dẫn đến thực trạng trên. Và vì vậy, chiến lược công nghiệp ô tô của Nhật Bản là Thái Lan tiếp tục là căn cứ sản xuất ô tô lớn của họ. Nhật Bản sẽ đưa Thái Lan làm tất cả các sản phẩm của dòng ô tô mới mà Nhật đang thiết kế để cạnh tranh trên toàn cầu. Còn sản phẩm mà lâu nay họ vẫn làm thì sẽ chuyển sang Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar.

Gần đây tại cuộc gặp với các chuyên gia kinh tế các nước tiểu vùng sông Mê Kông có nhắc tới chiến lược Thái Lan +1. Trước đây là Trung Quốc +1, tức là chuyển một số ngành từ Trung Quốc sang những nước xung quanh như là Thái Lan, Malaisia, Việt Nam…Nhưng bây giờ lại thêm một chiến lược nữa là Thái Lan +1 trong một số ngành, nhất là một số ngành Thái Lan không còn lợi thế cạnh tranh cao nữa hoặc những cái vốn lạc hậu chậm đổi mới thì sẽ chuyển sang những nước như Việt Nam.

Bà Phạm Chi Lan bộc bạch: “Phải nói là đau. Rất là đau! Họ trình bày chiến lược Thái Lan +1, mình nghe mà đau hết cả người. Việt Nam bao nhiêu năm người ta áp Trung Quốc +1. Trung Quốc là một nền kinh tế quá lớn nhưng Thái Lan +1 thì bây giờ mình sẽ phải lo cạnh tranh với Lào, Campuchia, Myanmar để nhận dòng đầu tư từ Thái Lan. Sau 20 năm tham gia ASEAN, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm CLMV! 20 năm trời vẫn CLMV!”

Việc các doanh nghiệp ASEAN gia nhập thị trường Việt Nam và họ coi Việt Nam là cứ điểm mới của họ cũng thể hiện qua một số nghiên cứu. Khi người ta hỏi các doanh nghiệp Thái Lan, cơ hội lớn nhất trong cộng đồng kinh tế ASEAN là ở đâu thì 52% doanh nghiệp Thái Lan trả lời là ở thị trường nội địa của Việt Nam. Có nghĩa là họ coi thị trường nội địa 90 triệu dân của Việt Nam như một thị trường lớn rất có tiềm năng và họ vào đây để khai thác tiềm năng đó. Các doanh nghiệp Thái Lan đi bằng hai chân, vừa cạnh tranh bằng bán lẻ hiện đại vừa cạnh tranh truyền thống ở các cửa hàng nhỏ lẻ của Việt Nam.

Nếu tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái mua thành công Metro Việt Nam thì 90% hàng bán trong Metro có nguy cơ là sẽ được thay dần bằng hàng Thái. Bà Lan phân tích: “ Hàng Thái được tiếng là chất lượng, mẫu mã phong phú hơn hàng Việt Nam. Giá cả có đắt hơn nhưng không đắt hơn nhiều và nó phù hợp với thị hiếu của tầng lớp trung lưu đang có xu hướng tăng lên ở Việt Nam.”

Đây không chỉ là cái chết của các nhà phân phối mà nó sẽ là khó khăn cho những người đang định làm các sản phẩm để bán cho các cửa hàng đó. Các nhà sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ đi đâu ? Nông dân sẽ bán hàng của mình ở đâu nếu như chuỗi siêu thị của mình lần lượt rơi vào tay các công ty nước ngoài.

“Với cơ chế thuế trong ASEAN chỉ có 0% thì người ta sẽ dễ dàng thay hàng Việt Nam bằng hàng nhập từ ASEAN sẽ rất nhiều.” – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Tự cứu mình trước khi trời cứu

Việt Nam tham gia WTO vào năm 2006, trước đàm phán đã có một vài cuộc trao đổi ở ASEAN và các nước khác đều rất kỳ vọng là cơ hội WTO sẽ đưa Việt Nam sớm gia nhập vào nhóm ASEAN 6. Họ tính toán là Việt Nam có thể là nước đứng thứ 5 trong ASEAN nếu gia nhập ASEAN 6. Tức là Việt Nam có khả năng vượt lên trên Philippines và Brunei.

Họ kỳ vọng sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì sẽ trở thành nước thứ 5 trong ASEAN và tương lai sẽ nằm trong top 3 nước có nền kinh tế mạnh trong ASEAN. Họ cũng kỳ vọng là 3 nước đầu tàu này sẽ đưa ASEAN có cơ hội phát triển lên rất nhiều. Nhưng sau 8 năm tham gia WTO, nhiều kỳ vọng không đạt được. Nhiều thách thức lường được trước nhưng Việt Nam không vượt qua được thách thức đó.

Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh “Cái quan trọng nhất là bản thân mình phải chuẩn bị. Một hai năm vừa qua mọi người nói quá nhiều về TPP. Điều các bạn phải quan tâm là Ta chuẩn bị gì đây? Có còn thời gian hay cần tăng tốc để chuẩn bị cho cơ hội đó không. Chứ đừng hỏi bao giờ thành công như WTO, 12 năm đàm phán thành công xong ụp một cái thì mình lật ngửa ra là mình đã không chuẩn bị gì về năng lực của mình cả và rút cuộc thì cơ hội cũng không nắm được nhiều, thách thức lại nhận nhiều hơn.”

Hơn nữa, ngay chính với cộng đồng kinh tế ASEAN hoặc là ASEAN +6, Việt Nam cũng chưa biết đầy đủ và chưa chuẩn bị một cách tích cực. Bà Chi Lan chia sẻ, bà vào miền Nam khoảng 2 lần/tháng và thấy các doanh nghiệp miền Nam ráo riết, biết lo hơn, thực tế hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp ngoài Bắc.

Nhận xét về các doanh nghiệp miền Bắc, bà nói: “Ngoài Bắc mình vẫn còn tâm lý ảo tưởng, trông chờ ở bên ngoài. Mình không tự lo được cho mình thì ai lo cho mình! Đã nói tự cứu mình trước khi trời cứu. Mình không có quyền đòi hỏi nhiều những hỗ trợ bên ngoài nếu như tự mình không nỗ lực chuẩn bị.”

Với những doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra hướng tiếp cận mới. Bà cho rằng, khởi nghiệp thì đừng nên chỉ nghĩ tới khởi nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực kinh doanh cụ thể như hàng hóa, dịch vụ. Khởi nghiệp còn có thể là bắt đầu làm công việc mới. Hay công việc cũ nhưng làm với một cách thức mới. Đẩy công việc xưa nay vẫn làm lên một bước phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn, phù hợp hơn với thế giới hiện đại ngày nay.


 

Thu Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo