Thái Nguyên cần đổi mới môi trường đầu tư, tận dụng hiệu quả mọi thế mạnh
(vov) Ngày 19/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã về thăm và làm việc với tỉnh Thái Nguyên về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Thái Nguyên cần đổi mới môi trường đầu tư, xác định thế mạnh, đồng thời vận dụng linh hoạt chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng tỉnh trở thành tỉnh trung tâm của vùng kinh tế Trung du miền núi Bắc Bộ.
Trong sáng 19/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, Chủ tịch nước nghe đại diện Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG; hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công; lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên báo cáo về tình hình thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo đó, tính đến năm 2013, tỉnh Thái Nguyên có 4 khu công nghiệp với 89 dự án đầu tư đã được cấp phép, trong đó 35 dự án đã đi vào hoạt đự động sản xuất kinh doanh với số vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 5.500 lao động, dự kiến nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng. Đặc biệt, theo kế hoạch đầu tư của Tập đoàn Sam Sung vào khu công nghệ cao Yên Bình khi đi vào hoạt động năm 2014 sẽ tạo kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD và giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động. Bên cạnh kết quả khả quan đó, đại diện Ban quản lý khu công nghiệp và các doanh nghiệp cũng cho rằng trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn dẫn đến nhiều dự án còn triển khai chậm, việc giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng chậm, tiếp cận nguồn vốn khó, hàng tồn kho nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG cho rằng, để thúc đẩy sản xuất nhất là trong tiến trình hội nhập TPP thì việc có chính sách phù hợp là hết sức quan trọng.
Lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên.
Báo cáo với Chủ tịch nước, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chung, năm vừa qua, tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế xã hội. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp trong đó tập trung chỉ đạo rà soát, đình giãn, hoãn đầu tư để tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ một số dự án, công trình, tăng cường công tác kiểm soát giá cả hàng hóa dịch vụ và tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, do đó tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2013 đạt 5,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9%; thu ngân sách đạt gần 2.300 tỷ đạt hơn 60% dự toán; các chính sách an sinh, giảm nghèo, đào tạo nghề, chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ; an ninh chính trị được giữ vững.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại đó là đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; chương trình xây dựng nông thôn mới còn bất cập về tổ chức và nguồn lực còn hạn chế; suy giảm kinh tế cũng tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn và đặc biệt cần có sự đầu tư tương xứng để đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm vùng kinh tế Trung du miền núi Bắc Bộ theo kết luận 26-KL/TƯ ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 1/7/2004.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cho rằng, chúng ta đã đi qua nửa nhiệm kỳ đại hội XI nhưng trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước cũng gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng tới mục tiêu của Nghị quyết đại hội đặt ra. Đối với tỉnh Thái Nguyên trong nửa nhiệm kỳ dự kiến đạt 12/18 chỉ tiêu đây là nỗ lực lớn. Tuy nhiên, 6 chỉ tiêu còn lại như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới là chỉ tiêu quan trọng cần phải tập trung mạnh hơn nữa để hoàn thành, trong đó phải sớm tháo gỡ ngay khó khăn về hạ tầng nhất là hệ thống giao thông để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và vận chuyển hàng hóa. Tỉnh phải kiên trì trong việc xác định ngành nghề thế mạnh, hạn chế gia công để tránh đầu tư dàn trải tăng giá trị thặng dư.
Đề cập vấn đề xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đây là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, nhưng xây dựng nông thôn mới không phải là bê tông hóa là bắt buộc phải thực hiện đúng 19 tiêu chí, chúng ta phải linh hoạt xác định những tiêu chí cụ thể nào phù hợp để thực hiện trước sao cho hiệu quả nhất.
Ghi nhận những kết quả trong công tác đảm bảo an ninh chính trị và cải cách tư pháp, chủ tịch nước lưu ý các cấp, các ngành Thái Nguyên cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4, gắn với củng cố kiện toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết nhằm sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh phát triển cùng với cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hoàng Dũng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc