Tin tức - Sự kiện

Thái Nguyên: Đưa làng nghề lên sàn giao dịch thương mại điện tử

Thái Nguyên được xem là một trong nhiều địa phương đang làm tốt công tác hỗ trợ khôi phục, phát triển các làng nghề, đặc biệt là chương trình đưa các làng nghề lên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

(congthuong) Toàn tỉnh hiện có khoảng 13.300 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề với gần 26.500 lao động, thu nhập từ ngành nghề đạt gần 210 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, chỉ có 12/119 làng nghề được công nhận vì quy mô nhiều làng nghề còn quá nhỏ, các sản phẩm lại chưa có thương hiệu trên thị trường.

Kết quả điều tra mới đây của các cơ quan chức năng ở một số làng nghề cho thấy, dù đã quan tâm hơn đến việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhưng vẫn còn ở mức độ thấp, giữa các ngành và các vùng chưa đồng đều, công tác ứng dụng và đổi mới công nghệ còn gặp nhiều khó khăn về vốn, nhân lực...

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2020 tăng thêm 59 làng nghề để toàn tỉnh có 180 làng nghề, đủ sức làm đòn bẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghề hiện có và làng nghề mới; đầu tư hạ tầng giao thông, kéo lưới điện phục vụ sản xuất, hỗ trợ trang thiết bị máy móc... Ngoài ra, mỗi năm, tỉnh sẽ mở 9 lớp tập huấn đào tạo nghề tại 9 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh cho khoảng 2.700 người với mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/khóa học.

Đặc biệt, để hỗ trợ các làng nghề quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu bằng mô hình TMĐT, mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hiệp hội làng nghề tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương triển khai xây dựng website cho các làng nghề trên địa bàn tỉnh năm 2013.

Như vậy, mỗi làng nghề được đầu tư xây dựng website riêng và website này sẽ được liên kết với sàn giao dịch điện tử tỉnh Thái Nguyên, tạo điều kiện cho làng nghề quảng bá sản phẩm một cách thuận lợi nhất.
Các làng nghề tham gia phải cam kết về chất lượng sản phẩm và hình thành bộ phận nhân sự chuyên trách để quản lý, vận hành và khai thác tốt nhất những lợi ích có được từ website của làng mình.


Toàn bộ kinh phí xây dựng website, tập huấn quản trị mạng được ngân sách hỗ trợ, các làng nghề sẽ chỉ chịu chi phí duy trì, vận hành sau khi đã được xây dựng hoàn chỉnh. Hiện nay, đã có 19 làng nghề được đề nghị hỗ trợ xây dựng website trong năm 2013.

Bà Lê Thanh Thủy - Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại – cho biết, đây là hoạt động hỗ trợ quan trọng giúp các làng nghề tiếp thị sản phẩm bằng cách tham gia sàn TMĐT, lập gian hàng, tự quản lý website riêng… và dần hình thành kênh bán hàng mới bằng phương thức nhận đơn đặt hàng qua mạng.

 

 

Hoàng Duân

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo