Tham gia TPP, Thị trường chứng khoán có dậy sóng như thời WTO?
Chiều 10/10/2013, tại trụ sở CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC đã diễn ra Hội thảo "TPP & Cơ hội Thị trường chứng khoán".
TPP - Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương là hiệp định được giới đầu tư kỳ vọng sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đên nền kinh tế VN nói chung, TTCK nói riêng. Tác động đó còn mạnh mẽ hơn ảnh hưởng của việc Việt Nam vào WTO năm 2007. Một số chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP.
Theo kế hoạch, vòng đàm phán gia nhập TPP sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp vẫn chưa có một sự chuẩn bị đủ chu đáo trước giờ G – thời điểm nền kinh tế Việt Nam bơi ra biển lớn.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
TTCK Việt Nam đã nhảy vọt năm 2007, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Vậy cơ hội nào cho Việt Nam với TPP trong thời gian rất ngắn tới đây.
Hiện đã có 12 quốc gia tham gia vào đàm phán TPP. Hàn Quốc đang cân nhắc tham gia TPP trong thời gian tới.
Trong các quốc gia tham gia đàm phán TPP, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam lớn nhất. Đặc biệt, Hoa Kỳ là nước Việt Nam xuất siêu lớn nhất. Trong 8 tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất siêu vào Hoa Kỳ 11,68 tỷ USD.
Phân tích cơ cấu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, có thể thấy các lĩnh vực sau đây sẽ được hưởng những lợi thế đáng kể khi Việt Nam ký kết TPP: Hàng dệt may, Giày dép các loại, gỗ và sản phẩm gỗ, Hàng thủy sản, Máy tính và linh kiện.
Đặc biệt, hàng dệt may Việt Nam nếu nước ta tham dự vào “bàn tiệc đứng” TPP, sẽ được giảm thuế suất trung bình từ 17% hiện nay xuống mức 0 – 5%, và tương tự cho hàng da giày. Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên cả về lượng và chất mà không còn phải lăn tăn quá nhiều về những vụ kiện chống bán phá giá như các mặt hàng cá tra, cá ba sa và tôm tại thị trường Mỹ trong suốt nửa thập kỷ qua.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ qua các năm như sau:
Triển vọng ngành dệt may là không phải tranh cãi khi thuế suất có thể giảm từ 12 – 17% so với hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý về rào cản kỹ thuật trong đàm phán với Hoa Kỳ khi quốc gia này yêu cầu sản phẩm dệt may phải được sản xuất từ sợi trở đi.
Các doanh nghiệp dệt may hiện nay đang có tăng trưởng doanh thu nhanh nhưng hệ số sinh lời chưa cao, sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính… Chính vì vậy, sự thay đổi nhỏ của thuế suất, tỷ giá, lãi suất cũng sẽ ảnh hượng mạnh đến khả năng kiến tạo lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may.
BSC cũng chú ý đến 2 doanh nghiệp dệt may niêm yết trên thị trường hiện nay là TCM và TNG với khả năng thanh khoản cao.
Thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, cơ hội với thị trường
Một trong những điểm được chú ý trong vòng đàm phán TPP là phía Việt Nam cam kết sẽ không can thiệp vào các hoạt động kinh doanh thường nhật của các Doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời hứa sẽ mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam sẽ tiến tới mở room ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài tới 49%, cao hơn 19% so với tỷ lệ 30% hiện tại.
Gần đây, Chính phủ yêu cầu các Tổng công ty, tập đoàn Nhà nước phải gấp rút thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Nhà đầu tư lo ngại rằng liệu việc thoái vốn nói trên có làm sinh ra một lượng cung lớn bất ngờ, kéo TTCK đi xuống?
Trả lời băn khoăn đó, đại diện phía BSC cho rằng đó là cơ hội lớn cho TTCK Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Thông – Giám đốc bộ phận tư vấn khách hàng của BSC cho biết các tổ chức nước ngoài đang trông đợi việc thoái vốn của các DNNN. Đó là cơ hội để họ mua tài sản giá rẻ tại thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam. World Bank và Morgan Stanley đã “ngả bài”: “Tiền chúng tôi không thiếu, vấn đề là các anh bán giá bao nhiêu!”
Ông Thông tiết lộ hiện BSC đang có danh sách 42 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sẽ thoái vốn và buộc công khai, minh bạch tài chính. Sắp tới, làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước sẽ cung cấp cho thị trường một khối lượng hàng hóa đa dạng cho sự lựa chọn của Nhà đầu tư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo