Thâm hụt ngân sách: Cần mạnh tay cắt giảm các khoản chi không cần thiết
Cần mạnh tay
Bộ Tài chính vừa có Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015. Theo đó, tổng thu ngân sách 7 tháng đầu năm ước đạt 545 nghìn tỷ đồng, bằng 58,8% dự toán và tăn 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nội địa đạt trên 404 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô ước trên 42 nghìn tỷ đồng, giảm gần 34% so với cùng kỳ 2014.
Trong khi đó, luỹ kế chi 7 tháng đầu năm đạt trên 645 nghìn tỷ đồng, bằng 56,3% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản chi lớn là chi phát triển các sự nghiệp kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh bằng 58,2% dự toán tăng 5,9% so với 2014.
Chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 69% và chi trả nợ, viện trợ chiếm gần 15% tổng chi ngân sách. Đồng thời, chi trả lãi nợ cũng đang chiếm gần toàn bộ phần tăng trưởng của thu ngân sách. Ước tính ngân sách Nhà nước bị thâm hụt khoảng106,8 nghìn tỷ đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, việc thâm hụt ngân sách của Việt Nam chủ yếu đến từ bội chi, do chi quá lớn và ngày càng tăng.
"Các khoản chi về thường xuyên tăng nhanh đúng như những gì chúng tôi cảnh báo nó sẽ là vấn đề lớn nhất của Việt Nam trong trung hạn cách đây 3 năm", Tiến sĩ Thành lý giải.
Theo ông Thành, rất khó có thể tiết chế được nguồn chi tiêu thường xuyên này bởi hiện nay bộ máy quản lý nhà nước của Việt Nam rất cồng kềnh và song hành nhiều hệ thống cùng một lúc, giải quyết cùng một vấn đề rất chồng chéo.
Hơn nữa, ở địa phương, ngân sách giữa có sự phân tán giữa địa phương và Trung ương. Đặc biệt, rất có thể chính cơ chế "xin cho" đã làm cho địa phương không phải chịu trách nhiệm cho khoản nợ, nguồn thu của Chính phủ nhưng đã làm bành trướng nguồn chi để thu cái lợi về cho mình.
"Vì thế, nó tạo ra một hiệu ứng như một giàn đồng ca, tất cả đều muốn thu tiền về địa phương mình với nhiều lý do mà trên Trương ương thì rất khó kiểm soát được cái nguồn chi này từ địa phương. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là một trong những nguyên nhân làm thâm hụt ngân sách nhà nước", ông Thành nhận định.
Ông Thành cũng phân tích: "Trong thời gian qua, bộ máy hành chính nhà nước ngày càng thêm nhiều người. Chính vì thế, tiền lương, trợ cấp chi cho bộ máy này cũng sẽ phải tăng lên. Hơn nữa, các khoản chi cho lễ hội, sinh hoạt văn hoá, các dự án... cũng đã làm tiêu tốn rất nhiều tiền từ ngân sách nhà nước".
Hơn nữa, ông Thành cũng cho rằng, vấn đề thu ngân sách nhà nước bao giờ cũng khó khăn bởi không thể tăng thêm các khoản thu từ nhân dân ví dụ như tăng thuế, tăng phí. "Do vậy, chúng ta phải giảm chi ngay bây giờ mà trước tiên cần phải điều chỉnh bộ máy hành chính, cắt giảm các khoản chi không cần thiết", ông Thành nói.
Không cải thiện, doanh nghiệp sẽ gặp khó
Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, việc thâm hụt ngân sách nhà nước khi chúng ta thâm nhập sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do sẽ làm nguồn thu từ xuất nhập khẩu bị giảm đi, đặc biệt là từ nhập khẩu.
Ông Thành phân tích, những mặt hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ giảm rất mạnh. Trong khi đó, nền kinh tế trong nước sẽ được phát triển mạnh hơn nhờ tăng trưởng đầu tư và hoạt động sản xuất được mở rộng.
"Như chúng tôi tính toán, về cơ bản là nguồn thu sẽ bị giảm và vì thế cái vấn đề thâm hụt ngân sách một lần nữa lại được đặt ra. Chính vì thế, việc cần làm của Việt Nam cần làm là phải có sự thay đổi để thích ứng với điều kiện mới, giảm sự cồng kềnh, giảm cái sự chồng chéo để tiết kiệm được các nguồn chi thường xuyên và đồng thời phải có những việc thúc đẩy môi trường kinh doanh để cho doanh nghiệp phát triển nhiều hơn, hoạt động kinh tế phát triển nhiều hơn để từ đó các nguồn thu từ nội địa chúng ta được tăng lên", ông Thành nhận định.
Ông Thành cũng cho rằng, nếu chúng ta không làm những điều trên thì thứ nhất là thâm hụt ngân sách tiếp tục trầm trọng và kéo dài. Việc thâm hụt ngân sách sẽ dẫn đến những bất ổn kinh tế vĩ mô hoặc kéo lùi tăng trưởng kinh tế.
"Hơn nữa, nếu chúng ta không cải thiện đủ nhanh môi trường kinh doanh thì chúng ta vẫn phải tăng thuế lên doanh nghiệp trong khi môi trường kinh doanh không được cải thiện mà nguồn thu lại đè nặng lên vai họ thì họ ngày càng thu hẹp lại và theo kịch bản đó thì hội nhập kinh tế sẽ làm cho chúng ta bị bất lợi và không được hưởng lợi từ quá trình hội nhập đó", ông Thành nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo