Tham khảo, vận dụng kinh nghiệm quốc tế về mô hình cơ quan chống tham nhũng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng: Nếu như trước đây, chống tham nhũng được cho là trách nhiệm của mỗi quốc gia, thì nay, chống tham nhũng đã trở thành mối quan tâm chung của cả cộng đồng quốc tế, cùng nhau hợp tác để bổ sung và hỗ trợ cho các nỗ lực của từng quốc gia. Các thỏa thuận quốc tế về chống tham nhũng đã giúp tăng cường các cam kết chính trị chống tham nhũng, xác định những chuẩn mực và thông lệ quốc tế căn bản giải quyết vấn nạn này. Việt Nam là thành viên tích cực tham gia quá trình xây dựng Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, là một trong những nước đầu tiên ký Công ước và đến năm 2009, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước này. Công ước đòi hỏi việc phải bảo đảm sự có mặt của một số cơ quan chuyên trách và đội ngũ cán bộ đấu tranh chống tham nhũng trong mỗi quốc gia thành viên.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đề nghị, các đại biểu đối chiếu với thực tế của Việt Nam để có đánh giá đề xuất Việt Nam đã hội đủ các yếu tố để thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập chưa? Và trong trường hợp thành lập thì lựa chọn các mô hình và đặt đầu mối cơ quan trực thuộc như thế nào cho hợp lý?
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu khái quát những nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế về tính độc lập của cơ quan chống tham nhũng; Báo cáo tổng thuật về phân tích các mô hình cơ quan chống tham nhũng trên thế giới. Các chuyên gia quốc tế trình bày mô hình tổ chức các cơ quan độc lập chống tham nhũng được đánh giá hoạt động hiệu quả cao tại Philippines và Singapore.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nghiên cứu, tìm hiểu một số mô hình cơ quan chống tham nhũng đang hoạt động có hiệu quả ở nước ngoài, nhất là những quốc gia có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, văn hóa, xã hội trong sự liên hệ với bối cảnh chống tham nhũng để tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm, tiến bộ, vừa là nhu cầu, vừa là đòi hỏi đối với các quốc gia đang đối mặt với những thách thức của vấn nạn tham nhũng, trong đó có Việt Nam.
Đối với Việt Nam, những kinh nghiệm quốc tế về mô hình cơ quan chống tham nhũng là rất đáng lưu ý, cần nghiên cứu, tiếp thu các hạt nhân hợp lý. Trước mắt, Việt Nam cần tiếp tục duy trì mô hình đa cơ quan phòng, chống tham nhũng như hiện nay; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là hạt nhân của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, cần xác định vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, vai trò của Ban Nội chính Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trong lãnh đạo, điều hành, điều phối hoạt động các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng.
Mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hiện nay đã tạo ra sự gắn kết vai trò lãnh đạo của Đảng với việc thảo luận trách nhiệm của Nhà nước thể hiện trực tiếp bằng hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.
Để duy trì và củng cố hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng hiện có, Việt Nam cần tiến hành sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng với việc quy định chi tiết và đầy đủ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm phòng, chống tham nhũng của từng cơ quan, đơn vị chuyên trách, đồng thời nêu rõ quy trình và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ban, ngành nhằm nâng cao tính khả thi của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Những ý kiến phát biểu, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn đã bổ sung những kinh nghiệm quý báu, góp phần thiết thực cho công tác nghiên cứu, tham mưu trong công tác phòng chống tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất