Tham nhũng cản trở cải cách kinh tế địa phương
Báo cáo quan trọng này dựa trên kết quả nghiên cứu tại bốn tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp, Cà Mau, do viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) của đại học Sussex, Vương quốc Anh và phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện.
Vận động hành lang cho lợi ích riêng
Tổng thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng, cho biết, tại những tỉnh có cải cách đáng kể và bền vững như trường hợp của Bắc Ninh và Đồng Tháp, khu vực tư nhân tham gia rất tích cực. Tuy nhiên, trong trường hợp của Bắc Ninh, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò quan trọng trong khi ở Đồng Tháp, vai trò này chuyển sang các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều này phản ánh bản chất khác nhau của hai khu vực kinh tế: Bắc Ninh có đặc thù là tỉnh có nhiều tập đoàn xuyên quốc gia lớn sản xuất và xuất khẩu, còn Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông với thành phần chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ địa phương. Tại hai tỉnh còn lại, Cà Mau và Hưng Yên, các doanh nghiệp lớn đã không đóng vai trò dẫn đầu trong cải cách, mà chỉ vận động hành lang cho lợi ích riêng của họ, nhất là ở Cà Mau, các dianh nghiệp nhỏ không được quan tâm và hầu như không tham gia vào quá trình cải cách.
Giải thích cho thực trạng này, theo bà Hằng, các doanh nghiệp nhỏ, chủ sở hữu kiêm người quản lý phải đảm nhiệm rất nhiều vai trò khác nhau, nên họ khó có thể kiêm thêm vai trò vận động chính sách. Các doanh nghiệp nhỏ cũng cảm thấy rằng quan chức chính quyền ưu tiên các doanh nghiệp lớn nhiều hơn bởi vì điều này tạo cho họ có cơ hội có được thu nhập phi chi chính thức.
“Hầu như những người trả lời phỏng vấn từ khu vực công và tư nhân rất miễn cưỡng khi đề cập tới vấn đề này, nhưng những người cởi mở thì thừa nhận rằng người nhà của các quan chức Nhà nước thường nhận được tài trợ của doanh nghiệp”, bà Hằng nói và đặt câu hỏi: “Lợi ích kinh tế của gia đình các quan chức có ảnh hưởng tới quá trình cải cách không? Trường hợp nếu quan chức nhận được lợi ích kinh tế từ trục lợi từ vị trí công tác, quan chức đó sẽ muốn duy trì lề lối làm việc cũ hơn chứ không hề muốn cải tổ thủ tục hành chính cũng như làm cho quá trình này trở nên dễ dàng, minh bạch hơn cho doanh nghiệp. Nói cách khác, lợi ích dựa trên mối quan hệ là tham nhũng sẽ cản trở quá trình cải cách”.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cả hai trường hợp thành công cho thấy ảnh hưởng của phong cách lãnh đạo năng động, có trình độ và ổn định của chính quyền tỉnh. Thiếu những yếu tố này, những cố gắng vận động của hành lang của khối doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ chỉ dừng ở việc phục vụ lợi ích cá nhân và không được chuyển biến thành những cải cách sâu rộng hơn.
Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh: “Rõ ràng là sự kết hợp của một khu vực tư nhân có năng lực được tổ chức tốt và một bộ máy lãnh đạo địa phương năng động sẽ làm gia tăng sự thành công”.
Phân cấp vượt tầm kiểm soát
Phó trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, cho biết, qua trao đổi với các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, đại diện cơ quan chính quyền và các phương tiện truyền thông tại Hà Nội, hầu hết mọi người đều thừa nhận quá trình phân cấp đã diễn ra thành công, nhưng cũng gây ra không ít vấn đề cho địa phương sau đó.
Các vấn đề được đề cập nhiều nhất là sự lãng phí đầu tư công, đặc biệt là xây dựng quá nhiều sân bay, bến cảng, khu công nghiệp tại các địa phương. Các tỉnh đua nhau xây dựng cơ sở hạ tầng đắt tiền nhằm khẳng định uy tín với nhà đầu tư nhưng lại nhận được kết quả ngược lại: cơ sở hạ tầng không được sử dụng hết công suất. “Chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời có nội dung: nhờ có quá trình phân cấp, giờ đây bộ mặt nông nghiệp của Việt Nam có “14 lỗ” với hàm ý các cánh đồng lúa bị phá hủy để chuyển hóa thành sân golf”, ông Tuấn kể.
Tình trạng đầu tư lãng phí cũng được phó giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp dẫn chứng: ngành công nghiệp mũi nhọn của Đồng Tháp những năm gần đây là công nghiệp chế biến thủy sản và thức ăn gia súc. Trên địa bản tỉnh, hiện có tới 42 dự án đầu tư với công suất 280.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 5.100 tỷ đồng, nhưng chỉ hoạt động 50% công suất do nhiều nguyên nhân như thiếu nguyên liệu đầu vào, thị trường xuất khẩu…, như vậy đã lãng phí của cải xã hội gần 2.600 tỷ đồng.
Nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển bộ Kế hoạch và Đầu tư Lưu Bích Hồ, cho rằng, động lực cải cách có nhiều yếu tố, nhưng quyết định là từ lãnh đạo, chính quyền, cơ quan quản lý. Ông Hồ nói: “Cải cách đâu phải người dân quyết định được. Nhưng động lực để thúc đẩy phát triển lại chính là từ người dân, từ DN, mà ở đây chúng ta nhấn mạnh là doanh nghiệp tư nhân”.
Đại diện cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ, ông Đào Minh Châu, băn khoăn: "Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao hàng chục năm nay và các tỉnh hiện cũng ráo riết cho mục tiêu tăng trưởng, nhưng sự tăng trưởng ấy có bền vững không?"
Ông Châu cho rằng, phân cấp bản thân là phân chia quyền lực và trách nhiệm, nhưng nếu trao hết cho địa phương là không đúng, mà là việc hiện đúng chức năng được phân cấp, bảo đảm năng lực giải trình của cả trung ương và địa phương. “Tuy nhiên, nội dung này trong báo cáo còn mờ nhạt. Báo cáo cũng nói rằng phân cấp cho địa phương tạo ra lãng phí, nhưng ở trung ương còn lãng phí hơn nhiều, mà trường hợp Vinashin, Vinalines là điển hình”, ông Châu nhận xét.
Bà Vũ Thị Kim Liên, đại diện Vương quốc Anh tại Việt Nam cũng chung mối quan tâm về mô hình tăng trưởng khi đặt ra hàng loạt câu hỏi: Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng mô hình tiếp theo sẽ như thế nào? Động lực dẫn đến cải cách của các tỉnh hôm nay có được tiếp tục tiếp nối hay trở thành bão hòa, như Bắc Ninh?
Bà Liên cũng chia sẻ thêm góc nhìn: báo cáo đặt vấn đề khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là động lực để cải cách kinh tế là đúng, nhưng nếu các địa phương quá chú trọng thì liệu rằng quyền lợi của người dân có được quan tâm, như hàng loạt những vấn đề liên quan đến đất đai tại hàng loạt địa phương vừa qua?
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, phó trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, cho rằng, ở Việt Nam hiện nay chưa hẳn là trao quyền, mà có phàn là chính quyền trung ương chạy trốn trách nhiệm, trong khi thiết chế giám sát vẫn còn hạn chế.
Ông Tuấn nói thêm: “Đúng là có chuyện tỉnh nào cũng mải mê chạy theo mô hình tăng trưởng nhưng không trách họ được, vì cách thức phân bổ kinh tế như hiện nay, tư duy nhiệm kỳ như hiện nay. Nếu các tỉnh cạnh tranh nhau về năng lực điều hành thì tốt, nhưng cạnh tranh nhau về sân bay, bến cảng hoành tráng thì hiệu quả ngược”.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thách thức bủa vây thị trường chứng khoán: Xuống tiền mã ngành nào?
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Vi phạm quy định hạn chế giao dịch ký quỹ, Chứng khoán DNSE bị xử phạt