Tham nhũng tăng trong mua sắm công
Tặng hoa hồng mua sắm công
Kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt ở Việt Nam đã giảm nhẹ trong những năm qua. Cụ thể, trên 50% số DN ở các tỉnh có thứ hạng trung bình cho rằng chi phí không chính thức là phổ biến, giảm khá nhiều so với tỷ lệ 70% trong năm 2006 và 2007 (thời gian bắt đầu đánh giá PCI). Tỷ lệ chi phí không chính thức trên doanh thu cũng giảm từ 13% trong năm 2006 xuống còn 6,5% trong năm 2012.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tham nhũng đang dần thay đổi cách thức, đó là quy mô và phạm vi hối lộ để giành hợp đồng làm ăn với cơ quan chính phủ hoặc DN nhà nước đã gia tăng. Cụ thể là đã có khoảng 41% số DN trả hoa hồng cho cán bộ nhà nước để đảm bảo giành được hợp đồng, tăng rất nhiều so với tỷ lệ 23% năm 2011. “DN có tình hình tăng trưởng tích cực có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là những DN có hành vi chi trả hoa hồng có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn”, ông Tuấn cho biết.
Thông tin đáng chú ý khác là sự sụt giảm đáng lo ngại ở lĩnh vực tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền tỉnh và thiết chế pháp lý. Đơn cử, dù tỷ lệ DN có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tới 75%, song số DN nhận định nguy cơ bị thu hồi mặt bằng sản xuất kinh doanh cũng lên tới 29% so với 18% năm 2008.
Nhiều "ông lớn" tụt hạng xếp hạng PCI
Đồng Tháp lần đầu tiên đã trở thành tỉnh đứng đầu về xếp hạng PCI, Lào Cai phải nhường lại ngôi vị đứng đầu năm 2011 với kết quả xếp hạng ba năm 2012. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh An Giang vươn lên vị trí thứ hai trong khi đó, những tỉnh trước đây liên tục xếp trong nhóm đứng đầu lại tụt hạng đáng kể, như Đà Nẵng, sau khi liên tục đạt ngôi vị số 1 trong 3 năm từ 2008 - 2010 và vị trí thứ 5 trong năm 2011 thì nay đã tụt thêm 7 hạng, xuống vị trí thứ 12. Bình Dương cũng từ dẫn đầu năm 2007 thì năm nay đã xuống vị trí 19, tụt 10 bậc so với năm 2011. TP.HCM tăng 7 bậc, từ hạng 20 năm 2011 lên hạng 13, Cần Thơ từ vị trí 16 tăng 2 bậc lên vị trí 14, còn lại các TP lớn khác như Hải Phòng từ vị trí 45 năm 2011 nay đã phải đứng ở vị trí thứ 50, Hà Nội từ vị trí 36 đã tụt xuống tới thứ hạng 51.
Chia sẻ kinh nghiệm để bứt phá về thứ hạng PCI trong năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, UBND tỉnh đã quyết định dùng điểm số PCI làm tiêu chí đánh giá nội bộ và đề bạt cán bộ, kết hợp với nhiều giải pháp khác. “Chúng tôi không dừng lại ở khẩu hiệu chung chung, đã phân nhóm lại DN, từ yếu đến trung bình, mạnh, tìm ra được điểm nghẽn yếu của từng nhóm DN để lãnh đạo tỉnh tiếp cận từng DN. Tôi biết hết từng DN trong tỉnh, kể cả cá tính của từng ông một. Ông nào có tham vọng, ông nào tự bằng lòng, hoặc ông nào hơi khuếch trương một tí, thực chất thế nào. Lãnh đạo tỉnh hết sức chia sẻ, khơi gợi để DN cởi mở, nói thẳng, nói thật, từ đó cùng tìm ra giải pháp hỗ trợ phù hợp nhất”, ông Hoan chia sẻ.
Theo Phó trưởng ban Pháp chế của VCCI Đậu Anh Tuấn, điểm số PCI năm 2012 đã giảm mạnh, từ 59,1 điểm năm 2011 xuống còn 56,2 điểm và không một tỉnh nào đạt đến ngưỡng 65 điểm, là mức điểm dành cho tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc. Đây là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra trong điều tra PCI.
Quyết Thắng (Theo TNO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước