Thằn lằn 6 đuôi duy nhất trên thế giới
Theo các nhà khoa học, nhiều con thằn lằn có thể mọc lại đuôi sau khi bị thương hoặc rụng đuôi như một cách phòng vệ nhằm thoát khỏi thú săn mồi. Trước mối đe dọa, những chiếc đuôi có thể tự rụng ở một khấc đặc biệt trên xương sống. Máu sẽ nhanh chóng ngừng chảy, phần đuôi cụt liền lại và quá trình mọc đuôi mới bắt đầu.Trong một số trường hợp, chiếc đuôi bị gãy nhưng không đứt hẳn, dẫn đến phần đuôi mới có 2 hoặc 3 đầu.
Nhà nghiên cứu Nicolás Pelegrin tại Đại học Quốc gia Córdoba ở Argentina, người phát hiện con thằn lằn 6 đuôi, cho biết đây là trường hợp đuôi phân 6 nhánh đầu tiên được ghi nhận trên thế giới. Con thằn lằn màu đen và trắng thuộc loài Salvator merianae được nhân viên môi trường mang đến chỗ Pelegrin do những vết thương.
Pelegrin rất ngạc nhiên khi phát hiện ra con thằn lằn 6 đuôi này và ông cũng khẳng định đây là con thằn lằn 6 đuôi đầu tiên trên thế giới khi trong những trường hợp khác ông chỉ ghi nhận những con thằn lằn mọc tối đa 3 đuôi sau khi chiếc đuôi đầu tiên bị đứt.
Theo quan sát, con thằn lằn đặc biệt này có một vết thương nặng ở dọc đuôi. Vết thương được xác định là do một vật sắc gây ra và không đủ sâu để làm đứt đuôi, nhưng vẫn thúc đẩy quá trình mọc đuôi mới ở một số điểm trên cột sống của con vật. Theo Pelegrin, tuy những chiếc đuôi mới mang đến lợi ích rõ ràng trong một vụ tấn công, chúng có thể cản trở việc chuyển động, phát tín hiệu cho bạn tình và sinh sản của con thằn lằn.
Trong giới tự nhiên, không chỉ có thằn lằn mà một vài loài có xương sống khác như kỳ nhông hay Tuataras, một loài bò sát sống ở New Zealand cũng có khả năng này. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra hiện tượng nhiều đuôi ở thằn lằn xảy ra khi đuôi cũ không bị đứt hẳn, vẫn còn dính với thân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các đuôi phụ được hình thành sau khi đuôi cũ hoàn toàn bị tách khỏi thân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo