Than trời vì tiền trường
Ngày 25-9 vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ra hướng dẫn về thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác của năm học 2014-2015. Trong đó ghi rõ nhà trường không được thu tiền cơ sở vật chất và tiền vệ sinh. Các khoản thu hộ - chi hộ phải đảm bảo công khai và thu đủ bù chi. Quy định là thế nhưng thực tế thì không như vậy.
Lách quy định dễ như không
Tiền cơ sở vật chất không được thu nhưng các trường có thể vận động thông qua ban đại diện (BĐD) cha mẹ học sinh (HS). Các khoản thu hộ, chi hộ gồm mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS như quần áo, hồ sơ, học phẩm, học cụ, đề kiểm tra... là những khoản mà phụ huynh than thở nhiều nhất.
Tại một trường tiểu học ở Q.Bình Thạnh, phụ huynh phải đóng 87.000 đồng cho các vật dụng mà phụ huynh có thể tự sắm tùy túi tiền của mình như: phù hiệu, bìa đựng giấy kiểm tra, giấy bao vở, sổ liên lạc, giấy xin nghỉ phép...
Anh P., phụ huynh của trường, băn khoăn: “Tôi không nghĩ là có kiểu độc quyền kinh doanh trong môi trường giáo dục như vậy. Đồng phục phải mua theo kiểu của trường, dụng cụ học tập cũng vậy. Trường còn gửi thư ngỏ để mỗi phụ huynh đặt báo cho con ở trường, mỗi tuần một số, trẻ lớp 1 đã biết gì đâu mà đọc?”.
Một phụ huynh Trường tiểu học Trần Văn Mười, Hóc Môn bức xúc vì trường thu tiền rác 45.000 đồng/HS và 140.000 đồng/HS để đổ bêtông sân trường. Anh nói: “Nếu lấy 45.000 đồng nhân với hơn 1.000 HS, số tiền là hơn 45 triệu đồng, không biết trường chi như thế nào?”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ban giám hiệu nhà trường cho biết trường có thu khoản tiền “quét lớp” 5.000 đồng/HS/tháng, đóng theo học kỳ chứ không thu một lần để thuê người dọn vệ sinh lớp học. Khoản 140.000 đồng là của BĐD họp và đang lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh về việc đổ bêtông, làm lại sân trường để chống ngập vào mùa mưa.
Tại nhiều trường tiểu học và THCS, chúng tôi vẫn ghi nhận các trường thu các khoản tiền vệ sinh dưới nhiều tên gọi khác nhau do nhu cầu thực tế về nâng cấp nhà vệ sinh, mua sắm thiết bị vệ sinh, thuê nhân công, mức thu dao động 5.000-20.000 đồng/tháng.
Phụ huynh Trường THPT Vĩnh Lộc, Bình Tân lại than trời vì chỉ trong học kỳ I phải đóng tới 3 triệu đồng, trong đó có nhiều khoản thu hộ, chi hộ như: phù hiệu, thẻ HS, giấy thi (150.000 đồng/HS), vệ sinh và nước uống (10.000 đồng/tháng) cùng các khoản khác như quỹ phụ huynh (300.000 đồng/HS), bồi dưỡng văn hóa, tăng tiết vi tính...
Ông Thái Quang Cường, hiệu trưởng nhà trường, giải thích: “Khoản 150.000 đồng là khoản tạm thu, nếu sử dụng không hết trường sẽ trả lại cho phụ huynh. Hiện trường sử dụng bình nước khoáng 24.000 đồng/bình với mức thu 10.000 đồng cho cả tiền nước và vệ sinh.
Quỹ phụ huynh 300.000 đồng là khoản tự nguyện do BĐD vận động để sửa chữa trường vì nhiều hạng mục đã xuống cấp, nhà vệ sinh hư hỏng, tường bị thấm nước, phụ huynh có ít đóng ít, nhiều đóng nhiều.
Nhà trường đã rút kinh nghiệm việc ghi gộp các khoản thu của học kỳ I khiến phụ huynh bức xúc, và sẽ tách ra từng tháng để dễ dàng công khai với phụ huynh. Các khoản thu hộ nếu không chi hết sẽ được trả lại”.
Vừa mua nệm chống lạnh lại vừa lắp máy lạnh chống nóng
Phụ huynh có con học các lớp cuối cấp rất băn khoăn khi phải tham gia các công trình do BĐD cha mẹ HS đưa ra như sơn sửa trường lớp, xây nhà vệ sinh, lắp máy lạnh... với lý do con họ sắp ra trường, thời gian thụ hưởng những công trình này quá ngắn trong khi số tiền đóng lại cao.
Mặt khác, không ít phụ huynh bức xúc khi phải đóng tiền cho những công trình mà họ cho rằng không cần thiết.
Thực tế, mặc dù quy định không chia đều nhưng BĐD các trường thường đưa ra con số “lý tưởng” và nói rằng nếu tất cả phụ huynh đều đóng số tiền “lý tưởng” thì sẽ đủ để thực hiện công trình này. Như vậy, phụ huynh có muốn không đóng hoặc đóng thấp hơn mức “mẫu” mà BĐD đưa ra cũng khó.
Tại Trường tiểu học Khánh Hội B (Q.4), BĐD cha mẹ HS tính toán đưa ra con số 250.000 đồng/HS để vận động phụ huynh sơn sửa, trang hoàng các phòng học hiện đã xuống cấp.
Theo ban giám hiệu nhà trường, cách tính của BĐD là: các em sẽ sử dụng những phòng học được sơn sửa này trong năm năm, mỗi năm các em đóng 50.000 đồng, vậy mức thu cho năm năm là 250.000 đồng/HS.
Nhiều phụ huynh Trường mầm non Rạng Đông (Q.6) bức xúc phản ảnh việc họ phải đóng cùng lúc tiền mua máy lạnh và mua nệm. Tiền máy lạnh có lớp đóng 500.000 đồng, có lớp 350.000đồng/bé. Lớp nào trang bị máy lạnh thì phụ huynh sẽ đóng 15.000 đồng/tháng để trả tiền điện.
Một phụ huynh phân tích: “Trường có cơ sở rất thoáng mát nhưng BĐD lại đòi gắn thêm máy lạnh chống nóng buổi trưa, chúng tôi thấy không cần thiết và lo con dễ bị ốm khi thay đổi nhiệt độ liên tục. Chúng tôi lại được thông báo mua nệm cho bé nằm để đỡ lạnh lưng và dễ vệ sinh, giặt giũ trong khi những năm trước bé nằm chiếu vẫn ổn. Chúng tôi phải đóng tiền cho những thiết bị không cần thiết”.
Giải đáp thắc mắc của phụ huynh, cô Trần Thúy Hương, hiệu trưởng nhà trường, phân tích: “Đây là ý kiến của BĐD đang đưa ra bàn thảo. Nhà trường cũng góp ý với BĐD là nếu lắp máy lạnh thì chỉ mở buổi trưa cho bé ngủ ngon, từ 10g30-14g hằng ngày. Mức tiền điện là mức tham khảo của các trường lân cận. Một số phụ huynh đã đóng tiền cho BĐD, có phụ huynh đứng ra thu và đưa cô giáo giữ hộ. Tuy nhiên hiện chúng tôi vẫn đang bàn và xin ý kiến đồng thuận, chưa triển khai công trình này”.
Cô Hương cũng cho chúng tôi xem loại nệm mà trường đang giới thiệu để phụ huynh sử dụng: nhãn hiệu V... (VN), một mặt bằng vải sợi, một mặt là vải dù để ngăn độ ẩm lạnh của sàn nhà. Loại 1,1m có giá 165.000 đồng/bộ gồm một nệm và một gối, loại 1,2m có giá 195.000 đồng. Phụ huynh có thể đăng ký mua hoặc không thì vẫn nằm chiếu như năm trước. Cuối tuần phụ huynh có thể đem gối nệm này về nhà giặt phơi, vệ sinh theo ý mình.
* Ông PHẠM THANH NAM (chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM):Phải thu đúng và chi đúngHiện nay đoàn thanh tra của sở đã và đang tiến hành thanh tra các vấn đề về thu chi đầu năm, đại hội cha mẹ học sinh... Sở cũng nhận được một số đơn thư phản ảnh của phụ huynh, trong đó đang xử lý những đơn thuộc thẩm quyền (khối THPT) và chuyển những đơn còn lại (về mầm non, tiểu học, THCS) cho các phòng GD-ĐT.Trong các hội nghị, họp giao ban, sở đều nhắc nhở các trường phải thực hiện đúng các quy định về thu chi, thu đúng và chi đúng.Với các khoản thu do BĐD cha mẹ học sinh thực hiện, sở sẽ kiểm tra các biên bản họp phụ huynh xem tỉ lệ đồng thuận ra sao, có đúng tinh thần về các khoản thu tài trợ, có thu theo kiểu cào bằng hay không, nếu có phải chấn chỉnh ngay.Có những trường hợp BĐD làm đúng nguyên tắc, nhưng khi triển khai xuống các lớp thì các chi hội trưởng có cách nói khác đi, hoặc người ghi biên bản ghi không chính xác khiến phụ huynh phản ứng việc thu chi này.
Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo