Tin tức - Sự kiện

Thận trọng khi giảm cân

Giảm béo với người dư cân là cần thiết; tuy nhiên, việc lạm dụng các sản phẩm điều trị giảm béo có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Giảm “siêu tốc”

 

Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nữ vào cấp cứu vì trụy mạch, huyết áp tụt. Trước nhập viện, bệnh nhân nghe theo lời người quen đã mua và dùng sản phẩm giảm béo ở phố Ngọc Khánh. Khi dùng thì bị tiêu chảy ồ ạt, mệt mỏi. Sau khi giảm được 5 kg thì người rất mệt, tay chân chùn nhão, hậu quả là phải vào viện điều trị.

 

Theo bác sĩ Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y, bản chất của béo phì là tình trạng tích quá nhiều mỡ thừa, do chất dinh dưỡng đưa vào vượt xa so với nhu cầu của cơ thể. Do vậy việc giảm béo phải đi từ cơ bản: kiểm soát dinh dưỡng đưa vào để không dư thừa, hoặc tăng lượng vận động để tăng tiêu hao. Để thực hiện những việc này thì thời gian giảm béo không thể “siêu tốc”.

 

Bác sĩ Phúc lưu ý: “Giảm béo quá nhanh không làm tiêu hao mỡ thừa mà đi theo một cơ chế khác, đó là giảm cân do làm mất nước. Cơ thể chúng ta có khoảng 70% là nước, thế nên nếu tống nước ra khỏi cơ thể thì số cân giảm được là vô cùng ấn tượng.  Tác hại của giảm béo siêu tốc hoàn toàn giống với mất nước và điện giải do tiêu chảy: mệt mỏi, rối loạn nước và điện giải, teo đét tế bào, mỏi cơ, yếu cơ, mệt mỏi thần kinh, có thể dẫn đến tụt huyết áp ở người huyết áp thấp và thiếu máu não ở người thiếu máu não kinh niên”.

 

Nguy hiểm

 

Tiến sĩ Trần Nhân Thắng, Phó trưởng khoa Dược Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý một số thuốc giảm béo thực chất chỉ có tác dụng lợi tiểu, gây mất nước. Các triệu chứng giảm cân, nếu có, thường chỉ là giả tạo, người uống sẽ tăng cân trở lại sau khi dừng thuốc.

 

Việc giảm cân quá mức hay quá nhanh không được kiểm soát cũng gây những tai biến nghiêm trọng, làm khởi phát đợt cấp của các bệnh tiềm tàng: suy gan, suy thận, suy vành, trầm cảm...

 

Tiến sĩ Trần Nhân Thắng cho biết thêm, ngoài sản phẩm giảm cân gây mất nước, còn có nhóm thuốc gây chán ăn trên thị trường hiên nay cũng có các tác dụng phụ như: khô miệng, táo bón, nhịp tim nhanh. Bởi vậy, thuốc này không dùng vào buổi tối; không dùng cho người có tiền sử bệnh tăng huyết áp, tâm thần, cường tuyến giáp, glôcôm, người nghiện rượu, nghiện thuốc lá, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

 

Các thuốc gây chán ăn thường có hiệu quả trong những tuần đầu dùng, nhưng tác dụng sẽ giảm rõ rệt sau tuần thứ tư và nhiều người lại có xu hướng tự tăng liều dùng. Nguy hại hơn, sau vài tuần điều trị, nhiều người sẽ bị gia tăng tác dụng phụ và các tai biến như: bứt rứt, khó chịu, thay đổi tính cách, dễ cáu giận, mất ngủ, mệt lừ, trầm cảm và có thể suy tim đột quỵ.

 

 

Theo Thanh niên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo