Thận trọng khi vay ngoại tệ
Cuối năm, doanh nghiệp tăng nhu cầu sử dụng vốn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh dịp Tết và chuẩn bị cho đầu năm tới.
Lợi hơn vay tiền đồng
Tuy lãi suất vay VNĐ đã giảm so với trước (hiện phổ biến từ 10% - 18%/năm) nhưng vẫn cao gấp 2 - 3 lần so với lãi suất vay ngoại tệ (hiện từ 5% - 6%/năm) nên doanh nghiệp thường chọn vay ngoại tệ. Chính vì thế, tín dụng ngoại tệ luôn hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu. Một số ngân hàng áp dụng chính sách đặc biệt, với mức lãi suất thấp, chỉ khoảng 4,5%/năm, cho những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ ổn định nhờ xuất khẩu hàng hóa, vì vậy việc vay ngoại tệ càng có lợi hơn.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, trong quý III vừa qua, nhu cầu dùng ngoại tệ để thanh toán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, thông qua hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm. Tổng doanh số ngoại tệ các ngân hàng thương mại bán cho các tổ chức kinh tế trong quý III là 13.736 triệu USD và cá nhân là 489 triệu USD.
Đến quý IV, cầu vốn vay ngoại tệ càng tăng mạnh. Trong năm nay, tỉ giá biến động ít nên các đơn vị có nguồn thu bằng ngoại tệ vẫn thích chọn vay USD để tránh áp lực tiền lãi khi vay bằng VNĐ. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho biết khác với các năm trước, cung cầu về ngoại tệ năm nay giảm căng thẳng hơn, nhờ đó các ngân hàng thương mại có điều kiện đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu và mục đích sử dụng theo quy định tại Thông tư 03/2012/TT-NHNN.
Huy động ngoại tệ đang giảm
Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào có nhu cầu muốn vay ngoại tệ cũng sẽ được đáp ứng. Theo quy định hiện hành, chỉ những doanh nghiệp có đủ nguồn thu ngoại tệ từ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, bảo đảm trả được nợ thì ngân hàng mới rót vốn ngoại tệ. Khi nguồn dự trữ ngoại tệ của Nhà nước còn mỏng thì việc vay vốn bằng ngoại tệ vẫn còn giới hạn theo quy định. Trong thời gian qua, lượng huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đã có dấu hiệu giảm mạnh. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm nay, huy động vốn ngoại tệ của cácngân hàng thương mại trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh giảm 9,62% so với cuối năm 2011. Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng các doanh nghiệp nên thận trọng khi sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ để tránh rủi ro vì tỉ giá có thể tăng trong tương lai. Nếu vay USD, doanh nghiệp cần sử dụng các dịch vụ bảo hiểm tỉ giá mà các ngân hàng thương mại đang triển khai.
Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank), cho rằng sở dĩ doanh nghiệp chọn vay ngoại tệ nhiều là để tránh áp lực lãi suất khi vay VNĐ, nhất là khi tỉ giá được ổn định. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên mở rộng tín dụng ngoại tệ. Các doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ nên mua USD để thực hiện thanh toán thay vì vay ngoại tệ. Bởi trước mắt, nhờ tỉ giá ổn định nên vay vốn ngoại tệ thấy có lợi nhưng rất khó xác định diễn biến của tỉ giá trong tương lai, doanh nghiệp dễ gặp rủi ro.
Thảo Nguyên (Theo NLĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng