Tin tức - Sự kiện

Thanh Hoá: Ăn thịt lợn ốm, người đàn ông bị hoại tử chân tay và hôn mê

BV Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận, điều trị một bệnh nhân bị hoại tử chân tay do ăn thịt lợn ốm.

Tối 16/8, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Văn K, 51 tuổi ở Thanh Hóa bị hoại tử chân tay do ăn lợn ốm.

Bác sĩ Cấp cho biết thêm, lúc bệnh nhân K vào bệnh viện tỉnh chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân xuất hiện sốc, hôn mê, suy gan suy thận.

Sau 2 ngày, các bác sĩ chỉ định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bác sĩ Cấp chẩn đoán, ông K nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn. Hiện ông K vẫn còn hôn mê, suy thận, rối loạn đông máu, thở máy.

Bệnh nhân K đang được cấp cứu vì ăn thịt lợn bệnh.

Bác sĩ Cấp cảnh báo, thời điểm này, dịch bệnh liên cầu khuẩn heo dễ phát tán bởi người dân ăn tiệc tùng dễ ăn phải heo “bẩn” mang mầm bệnh.

Các chuyên gia cảnh báo bệnh liên cầu khuẩn heo có thể gây biến chứng nguy hiểm trong vòng 12-24 giờ. Theo đó, người bị bệnh liên cầu khuẩn từ heo thường mắc ở 2 thể.

Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân…, dẫn đến tử vong rất nhanh.

Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ.

Ngoài ra, có những trường hợp mắc cùng lúc cả hai thể bệnh này khiến tình trạng bệnh rất nguy kịch.

 

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác khiến nhiều người chủ quan và nhập viện khi đã nặng. Không chỉ vậy, người bị nhiễm liên cầu khuẩn heo dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm.

Trong khi đó, với những người bị nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn này, việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.

Theo các chuyên gia dịch tễ, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh nhiễm liên cầu khuẩn heo cho người.

Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt khi đã nấu chín kỹ, bảo đảm nước từ thịt chảy ra phải trong, không còn màu hồng.

Nên đọc



Theo Tri Thức Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo