Thanh Hóa hỗ trợ 700 tấn gạo cho các hộ nghèo thuộc Chương trình 30a
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-UBND về việc phê duyệt phân bổ hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo ở các thôn, bản khu vực biên giới trong thời gian chưa tự túc được lương thực thuộc Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Quyết định nêu rõ, đối tượng thu hưởng gạo là 3.254 hộ nghèo với 15.564 khẩu thuộc các thôn, bản khu vực biên giới chưa tự túc được lương thực theo Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP. Thời gian hỗ trợ gạo là 3 tháng đối với các thôn, bản khu vực biên giới thuộc 5 huyện nghèo: Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Lang Chánh và Mường Lát.
Hình thức hỗ trợ bằng gạo và cấp trực tiếp cho các hộ tại UBND xã, hỗ trợ cho tất cả các khẩu trong hộ với mức 15kg/người(khẩu)/tháng, với tổng số gạo hỗ trợ là 700.380kg. Nguồn kinh phí được trích trong nguồn kinh phí chi đảm bảo xã hội năm 2016 của Trung ương phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định giá gạo giao tại UBND các xã, đề xuất trình Chủ tịch phê duyệt kinh phí cụ thể cho 5 huyện biên giới (theo hình thức ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách huyện) để thanh toán cho đơn vị cung ứng và hướng dẫn thanh quyết toán nguồn kinh phí theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể các huyện triển khai thực hiện; phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện có liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện cấp phát gạo cho các đối tượng là hộ nghèo vùng giáp biên giới theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, thường xuyên theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện, trình Chủ tịch UBND tỉnh.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu UBND các huyện biên giới có trách nhiệm lựa chọn doanh nghiệp nhà nước có chức năng cung ứng gạo đảm bảo chất lượng để thực hiện việc hỗ trợ gạo; tổ chức thực hiện một cách công khai, dân chủ; cấp đúng, cấp đủ số lượng, chất lượng gạo theo tiêu chuẩn quy định cho các hộ được hỗ trợ và có sự giám sát của MTTQ, các đoàn thể địa phương. Chủ tịch UBND các huyện tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật Nhà nước và Chủ tịch UBND tỉnh trong việc thực hiện hỗ trợ gạo; không để hiện tượng tiêu cực, lợi dụng gây thất thoát, lãng phí và phiền hà xảy ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo