Tin tức - Sự kiện

Thanh Hóa: Nhiều giáo viên THPT bị “bỏ rơi” trước thềm năm học mới?

Mặc dù đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường THPT thực hiện hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao từ năm 2011. Năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến 66 giáo viên hoang mang, lo lắng.

Qua tìm hiểu được biết, năm 2011, căn cứ tình hình thực tế của các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và năng lực chuyên môn của giáo viên (GV), Hiệu trưởng các trường THPT đã làm tờ trình gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa xin thỏa thuận hợp đồng GV.

Sau khi nhận được Tờ trình của các trường, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có công văn thống nhất với đề nghị của các nhà trường để thực hiện hợp đồng lao động đối với 66 trường hợp.

Kế hoạch đã được đưa ra từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến giáo viên hoang mang, lo lắng về tương lai của mình.

“Trong suốt quá trình công tác từ năm 2011 đến nay, chúng tôi luôn được Hội đồng nhà trường nơi công tác đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn tốt, được đồng nghiệp và học sinh tin yêu. Đồng thời, chúng tôi được tổ chuyên môn nhận xét, đánh giá xếp loại giỏi hàng năm. Việc chậm được giải quyết khiến chúng tôi không yên tâm công tác, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn”, một GV (xin được giấu tên) chia sẻ.

Cũng theo các GV cho biết, trong số 66 GV hợp đồng, rất nhiều người có trình độ Thạc sỹ và đạt danh hiệu GV giỏi cấp tỉnh; có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao cấp ngành. Đặc biệt, có GV còn có nhiều học sinh giỏi quốc gia, được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa…

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, ngày 5/9/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Thông báo số 166/TB-UBND, kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị nghe báo cáo tình hình thực hiện biên chế sự nghiệp giáo dục bậc THPT và thực trạng cán bộ quản lý, GV và nhân viên hành chính của các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Tại thông báo nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan xây dựng quy định về định mức học sinh/lớp, GV/lớp, cán bộ quản lý, nhân viên hành chính đối với bậc THPT trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét phê duyệt trước ngày 10/9/2016, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và phát huy tối đa hiệu quả công tác ở mỗi vị trí việc làm.

Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên - một trong những trường nằm trong diện giải thể sắp tới.

Đồng thời, tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đối với 66 GV hợp đồng lao động đã được Sở GD&ĐT cho phép các Trường THPT thực hiện trong chỉ tiêu biên chế được giao khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật.

 

Đến ngày 16/9/2016, Giám đốc Sở GD&ĐT đã ký công văn số 1871/SGDĐT-TCCB về kế hoạch tuyển GV hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế đã có thỏa thuận của Sở GD&ĐT với hình thức tuyển dụng đặc cách. Tiếp đó, ngày 26/9/2016, Giám đốc Sở GD&ĐT ký công văn số 1946/SGDĐT-TCCB về việc nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức giáo dục.

Căn cứ vào những công văn, kế hoạch nêu trên, các GV xét thấy đủ điều kiện đã làm hồ sơ xét tuyển đặc cách. Trong 2 ngày 30/9 và ngày 1/10/2016, Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT đã thu nhận hồ sơ của GV để xem xét, tổng hợp, làm căn cứ trình Giám đốc Sở GD&ĐT thẩm định và phê duyệt.

Rõ ràng, 66 trường hợp GV nêu trên là những đối tượng đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương tuyển dụng; Sở GD&ĐT đã có kế hoạch tuyển dụng. Hơn nữa, đến thời điểm này, hầu hết 66 trường hợp này là những GV công tác lâu năm trong ngành giáo dục (người ít nhất là 9 năm) và có rất nhiều thành tích nổi bật, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển ngành giáo dục Thanh Hóa.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến thời điểm hiện tại, 66 trường hợp GV hợp đồng này vẫn chưa được tuyển dụng khiến các GV rất hoang mang, lo lắng trước thềm năm học mới.

Trong khi đó, mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã thông qua "Đề án sắp xếp các trường Trung học phổ thông công lập hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025".

 

Nhiều GV trong số 66 trường hợp nêu trên đang công tác tại các trường thuộc diện giải thể, sáp nhập hết sức lo lắng cho “số phận” và chưa biết tương lai của mình sẽ như thế nào trước thềm năm học mới.

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo