Thanh Hóa: Thanh tra chỉ rõ nhiều sai phạm tại trường THPT Dân tộc nội trú
Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa là trường THPT chuyên biệt. Những năm gần đây, trường có quy mô đào tạo ổn định 18 lớp với 540 học sinh thuộc các dân tộc: Mường, Thái, Thổ, Dao, H’Mông, Khơ Mú, Ê đê.
Mới đây, Thanh tra Sở Nội vụ Thanh Hóa đã có kết luận về việc quản lý số lượng người làm việc, tiếp nhận viên chức, hợp đồng giáo viên, nhân viên, bổ nhiệm, thay đổi, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm cấp phó phòng, khoa của trường THPT Dân tộc nội trú giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017.
Trong đó, nêu rõ giai đoạn từ năm 2014 trở về trước, công tác tổ chức, cán bộ của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa tồn tại nhiều sai sót, khuyết điểm, vi phạm như bố trí viên chức, người lao động đảm nhiệm các vị trí việc làm không đúng quy định, vượt quá nhu cầu nhiệm vụ, có trường hợp không đáp ứng yêu cầu, vị trí việc làm.
Việc thực hiện biên chế hàng năm vượt so với chỉ tiêu biên chế Sở GD-ĐT phân bổ, cơ cấu giáo viên bộ môn chưa đảm bảo hợp lý; tiếp nhận bố trí giáo viên, nhân viên còn có trường hợp không đúng quy định và không trên cơ sở nhu cầu nhiệm vụ. Một số trường hợp, hợp đồng lao động, Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào Nghị định 68 để ký hợp đồng nhưng bố trí làm các công việc không theo quy định tại Nghị định.
Trong các năm gần đây, nhà trường không có quy mô ổn định 18 lớp theo quy định tại Thông tư 59/2008/TT-BGDĐT không quá 2,4 giáo viên/lớp được bố trí 43 giáo viên. Tại thời điểm tháng 11/2017, trường có 48 giáo viên (không kể một người phụ trách công tác đoàn), dôi dư so với quy định 5 giáo viên.
Tại thời điểm kiểm tra, trong khi không bố trí người đảm nhiệm phụ trách một số vị trí theo quy định, nhà trường lại bố trí các vị trí không có trong quy định. Cụ thể, kế toán dư 1 người, quản lý và hướng dẫn học nghề dư 1 người, quản lý học sinh dư 4 người, thiếu 1 người làm Thiết bị- thí nghiệm, 1 kỹ sư tin học, 2 người làm công tác giáo vụ (do nhà trường không bố trí người đảm nhiệm 2 vị trí việc làm nêu trên).
Năm 2012, bà Bùi Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường được “ưu ái” bổ nhiệm khi chưa có bằng Trung cấp lý luận chính trị trở lên. Đến năm 2017, bổ nhiệm lại bà Oanh vẫn chưa bổ sung được bằng này nhưng vẫn đắc cử.
Bên cạnh đó, thanh tra cũng chỉ ra việc bà Nguyễn Thị Biên - tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Văn được bố trí làm thư viện, chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về văn thư, thư viện. Ngoài ra, nhà trường tiếp nhận bà Vũ Thị Thương - Trung cấp kế toán về trường bố trí làm công việc nấu ăn cho học sinh là không đúng vị trí việc làm của viên chức.
Đặc biệt, trong điều kiện biên chế nhà trường hàng năm dôi dư so với chỉ tiêu phân bổ của Sở GD-ĐT nhưng Trường THPT Dân tộc Nội trú và Sở GD-ĐT vẫn tiếp nhận hoặc điều động giáo viên về trường, một số trường hợp tiếp nhận không trên cơ sở nhu cầu nhiệm vụ. Cụ thể là 1 trường hợp giáo viên Lịch sử tiếp nhận trong năm 2013 trong khi nhà trường không có nhu cầu; 2 giáo viên môn Giáo dục công dân trong khi trường nhu cầu chỉ cần 1 người.
Lãnh đạo Trường THPT Dân tộc nội trú giai đoạn 2007-2008 còn ký hợp đồng theo Nghị định 68 vào các vị trí Thư viện - Lưu trữ 1 người, Kế toán 1 người và Y tế 1 người là không đúng quy định về loại công việc.
Hai trường hợp ký hợp đồng làm việc không trên cơ sở nhu cầu nhiệm vụ gồm thư viện 1 người, kế toán 1 người; 5 trường hợp ký hợp đồng để làm các công việc không có quy định gồm quản lý và hướng dẫn học nghề 1 người, quản lý học sinh 4 người.
Thanh tra cũng chỉ rõ, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm chính thuộc về Ban giám hiệu nhà trường, trực tiếp là hiệu trưởng trong các thời kỳ trong đó có hiệu trưởng giai đoạn trước năm 2009.
Được biết, thời điểm xảy ra sai phạm trên qua các thời kỳ ông Đinh Chương Hòa và bà Phạm Thị Hà giữ chức vụ Hiệu trưởng. Vào năm 2015, tại trường này với cương vị là Hiệu trưởng, bà Hà đã chỉ đạo ăn chặn hàng trăm triệu đồng tiền học bổng của học sinh và chi sai nguyên tắc hàng tỷ đồng.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Phạm Anh Toàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trên cơ sở kết luận thanh tra, tới đây, nhà trường sẽ xây dựng phương án trình Giám đốc Sở GD-ĐT xem xét để quay về bố trí sắp xếp lại một số nhân sự chưa đúng”.
“Trường hợp cô Oanh chưa có bằng Trung cấp lý luận chính trị thì hiện cô đang đi học để bổ sung bằng, cô Biên được bố trí ở vị trí sai quy định thì sắp tới cô nghỉ hưu còn đối với các trường hợp ký hợp đồng theo Nghị định 68 mà làm việc không đúng thì tới đây sẽ phải chấm dứt hợp đồng này và bố trí lại việc làm cho các đối tượng này” - ông Toàn cho biết thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao