Thanh Hóa yêu cầu xã trả lại phí đồng cỏ chăn nuôi trâu bò cho dân
Chiều 20/4, sau cuộc làm việc của đoàn liên ngành tại xã Thiệu Dương, UBND thành phố Thanh Hóa ra kết luận về một số khoản thu của Hợp tác xã dịch vụ Minh Anh.
Theo đó, Thanh Hoá xác định việc Hợp tác xã này thu tiền phí chăn thả trâu, bò của nông dân như báo chí phản ánh là có thật.
Khoản này do Hợp tác xã thu trên cơ sở họp thống nhất với 13/15 hộ chăn thả trâu bò, số lượng 100 con, nhằm thế chấp cho việc đảm bảo không để gia súc phá hoại hoa màu, tài sản của nhân dân.
Hợp tác xã sẽ trả lại tiền cho các hộ trong trường hợp người dân không còn nuôi hoặc không gây thiệt hại hoa màu, tài sản trong quá trình chăn thả trâu bò; việc trả lại tiền thế chấp được thực hiện sau mỗi vụ sản xuất.
Trường hợp các hộ chăn thả gia súc gây thiệt hại, hợp tác xã sẽ mời các bên liên quan dùng số tiền thế chấp bồi thường cho gia đình có hoa màu bị hư hại. Thành phố khẳng định, khoản thế chấp này không đúng quy định của pháp luật nên chỉ đạo Hợp tác xã Minh Anh trả lại cho các hộ dân trước ngày 30/4.
Về khoản 5 triệu đồng tiền thế chấp máy gặt, máy lồng, báo cáo của xã cho rằng đây là khoản góp vốn của các thành viên hợp tác xã theo điều lệ hoạt động, hộ gia đình nào muốn trở thành thành viên của hợp tác xã phải đóng góp theo quy định.
Ngoài ra, Tổ hợp tác cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở xã Thiệu Dương thu (20 thành viên) còn thu 10.000 đồng mỗi đầu sào của các hộ có máy sản xuất nông nghiệp, nhằm trang trải cho hoạt động điều hành, hỗ trợ thăm hỏi, ốm đau của các thành viên trong tổ. Thành phố yêu cầu Tổ dịch vụ không được thu của các thành viên nếu họ không tự nguyện đóng góp.
UBND thành phố Thanh Hóa cũng yêu cầu xã Thiệu Dương và các xã, phường khác rà soát, báo cáo về việc thu phí, lệ phí, nghiêm cấm thu các khoản đóng góp trái quy định.
Gần đây, nhiều nông dân xã Thiệu Dương (TP Thanh Hoá) bức xúc phản ánh, họ bị Hợp tác xã dịch vụ Minh Anh ép phải đóng phí chăn thả trâu, bò nếu muốn cho gia súc ra đồng ăn cỏ.
Các khoản phí mà Hợp tác xã Minh Anh đặt ra gồm phí đồng cỏ 100.000 đồng mỗi con một năm. Ngoài ra, các hộ còn phải đóng phí thế chấp tiền chăn thả gia súc, gia cầm thu theo các mức độ khác nhau. Cụ thể, hộ có 1-3 con trâu, bò thu 300.000 đồng; 3-5 con, mức thu là 500.000 đồng; 5-10 con thu một triệu đồng và hộ từ 10 con trở lên thu hai triệu đồng. Nếu hộ nào không nộp, người của hợp tác xã sẽ không cho chăn thả trâu, bò trên đồng.
Trong Quy ước bảo vệ đồn điền, Hợp tác xã Minh Anh còn đề ra các điều khoản cấm người dân chăn dắt, thả trâu, bò, dê, vịt, gà, ngan, ngỗng, lợn… trên tất cả các xứ đồng, kể cả bờ mương, bờ kênh do Hợp tác xã quản lý; các chủ máy gặt, máy lồng đất trước khi xuống đồng phải đến đăng ký với hợp tác xã, để có kế hoạch phân bổ diện tích cho từng chủ máy.
Tất cả các trường hợp vi phạm, dù vô tình hay cố ý, đều lập biên bản và xử phạt 100.000-300.000 đồng (lần thứ nhất); mức xử phạt với trâu, bò, dê… mỗi con từ 100.000-200.000 đồng/lần, nếu tái phạm sẽ xử phạt từ 200.000-300.000 đồng. Vịt, gà, ngan, ngỗng thả ra đồng sẽ bị xử phạt từ 50.000-100.000 đồng/lần, tái phạm sẽ xử phạt từ 100.000-200.000 đồng…
Ông Dương Đình Minh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Minh Anh, thừa nhận đã thu những khoản tiền nói trên, song lý giải, việc thu các khoản phí đều "trên tinh thần tự nguyện” và dựa trên Quy ước đồn điền của làng từ xưa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo