Thanh niên hành động phòng, chống tác hại của thuốc lá
Hoạt động này nhằm ủng hộ Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 01/5/2013.
Thanh niên và nhiều người khác được khuyến khích đăng ký tên ủng hộ Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng cách truy nhập trang www.vn0khoithuoc.com hoặc soạn KKT gửi 6089.
Tính đến ngày 21/6/2013 đã có gần 3.000 người ủng hộ chiến dịch này bằng cách đăng ký trên trang http://www.vn0khoithuoc.com. Trang Facebook.com/Vn0khoithuoc cũng đã nhanh chóng nhận được hơn 500 người đăng ký ủng hộ.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá qui định cấm hút thuốc tại các cơ sở y tế, trường học, nhà trẻ và các cơ sở vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em, tại tất cả các nơi công cộng trong nhà bao gồm cả các nhà hàng, nơi làm việc và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Chiến dịch này do Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá – Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (VINACOSH) phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện với sự giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật của Quỹ Từ thiện Bloomberg- Hoa Kỳ, Quỹ Hành động vì trẻ em không thuốc lá (TFK) và Quỹ Lá phổi Thế giới (WLF). Mục đích của chiến dịch nhằm huy động sự ủng hộ đối với việc thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và tuyên truyền cho nhân dân về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động.
“Trong thời gian qua, sự tham gia tích cực và hiệu quả của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đặc biệt là của Thành đoàn Hà Nội đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường nhận thức của cộng đồng và giới trẻ về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và việc thực hiện môi trường không khói thuốc” - PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Chánh Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế phát biểu. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội nói.“ Thanh niên của chúng tôi rất tích cực ủng hộ Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho những người khác khỏi nguy cơ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động”
Ông Peter Baldini, Giám đốc Quỹ Lá phổi thế giới đã bình luận:“ Ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác, phần lớn người dân không hút thuốc, nhưng họ thường không bầy tỏ sự quan tâm của mình. Do vậy thật vui mừng khi được chứng kiến sự ủng hộ Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày càng tăng, đặc biệt trong thanh niên Việt Nam để vận động cho quyền được làm việc và sinh hoạt trong những nơi công cộng không khói thuốc lá. Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ nhanh chóng thực hiện Luật này để bảo vệ thanh niên và người lớn tuổi tránh khỏi các căn bệnh do hút thuốc thụ động gây ra”
Về tình hình sử dụng thuốc lá ở Việt Nam
Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS), 47,4% nam và 1,4% nữ (từ 15 tuổi trở lên) ở Việt Nam hiện hút thuốc lá. Điều này có nghĩa là 15 triệu người trưởng thành hút thuốc lá. Thêm vào đó, 73,1% người trưởng thành bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nhà, 55,9% người lao động bị phơi nhiễm thụ động với thuốc lá tại nơi làm việc. Theo The Tobacco Atlas một tỷ lệ đáng kể thanh niên (trên 58%) bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nhà và thuốc lá làm cho Việt nam phải chi phí gián tiếp 78 triệu đô la Mỹ mỗi năm.
Ngày nay, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới, và phải chịu trách nhiệm cho gần 6 triệu người chết hàng năm. Nghiên cứu cho thấy các chiến dịch truyền thông đại chúng là một trong các biện pháp hiệu quả nhất để khuyến khích mọi người không hút thuốc. Đó cũng là một trong các chiến lược M-P-O-W-E-R (W= cảnh báo) của Tổ chức Y tế thế giới để làm giảm việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá. Chiến lược MPOWER được khởi xướng và quảng bá bởi Sáng Kiến Bloomberg nhằm Giảm Sử dụng Thuốc lá trong đó Quỹ Lá phổi thế giới là đối tác chính.
Về Quỹ Lá phổi thế giới:
Quỹ Lá phổi thế giới được thành lập để hưởng ứng việc chống lại bệnh dịch về phổi có tính chất toàn cầu mà hàng năm giết chết 10.000.000 người. Tổ chức này cũng hoạt động cho các sáng kiến làm giảm tử vong cho các bà mẹ và trẻ em. WLF cải thiện sức khỏe toàn cầu bằng việc nâng cao năng lực y tế địa phương, ủng hộ nghiên cứu hoạt động, phát triển chính sách cộng đồng và giúp thực hiện giáo dục cộng đồng. Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Tổ chức là kiểm soát thuốc lá, chống ô nhiễm không khí trong nhà, bệnh lao, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và bệnh hen xuyễn.
Để biết thêm thông tin, xin truy cập địa chỉ worldlungfoundation.org.
Nguyễn Hiền
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo