Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk): Sẽ không thiếu nước vào mùa khô
Theo ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk, từ cuối năm 2016, Công ty đã tận dụng triệt để mọi nguồn lực để lắp đặt thêm một hệ thống lọc nước công suất 3.000m3 tại hồ Ea Chu Káp, đồng thời việc đối phó với hạn hán cũng đã được Công ty chủ động, nên đã hạn chế được tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian qua. Hiện nay, hệ thống cấp nước sinh hoạt cho thành phố Buôn Ma Thuột luôn được duy trì ở mức 50.000m3 nước/ngày, đêm. Theo dự báo, mùa khô năm 2018 sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân tỉnh Đắk Lắk, trong đó tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột vẫn còn diễn ra. Song, do lượng mưa từ cuối năm 2017 khá dồi dào, đồng thời Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk đã có sự chủ động ứng phó với mùa khô năm 2018, nên tình trạng thiếu nước sẽ diễn ra hạn chế.
Từ cuối năm 2017 đến nay, Dự án cấp nước cho thành phố Buôn Ma Thuột và các vùng phụ cận, gồm thị trấn huyện Ea Kar, Krông Năng và Buôn Đôn có công suất thiết kế 45.000 m3/ngày, đêm đã được triển khai thực hiện, với tổng trị giá đầu tư 30,79 triệu USD, tương đương hơn 685 tỷ đồng Việt Nam, trong đó 2/3 số vốn là vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, nguồn nước lấy từ dòng sông Sê Rê Pôk sẽ được hòa vào hệ thống cấp nước đã có, nâng tổng công suất cấp nước cho thành phố và các vùng phụ cận lên 95.000 m3/ngày, đêm. Lượng nước này sẽ đủ cung cấp cho 95.000 hộ dân sử dụng, tăng 30.000 hộ so với thực tế hiện nay. Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk cho biết: Lượng nước của dòng sông Sê Rê Pôk khá dồi dào, ngay cả trong mùa khô nên không sợ thiếu hụt. Trước khi triển khai dự án, bên tư vấn thiết kế đã nghiên cứu kỹ lưỡng tình trạng nguồn nước ở đây. Cho nên về mặt số lượng là đảm bảo. Còn chất lượng nước đã có nhà máy xử lý bằng công nghệ lọc ngang tấm lamen, đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế. Chúng tôi đang phấn đấu đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 sẽ đưa tất cả các công trình đi vào hoạt động nhằm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân. Thời gian qua, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời đơn vị đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc đền bù giải phóng mặt bằng trước khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất để xây dựng các công trình. Trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tiến độ xây lắp tại các công trình vẫn ra nhộn nhịp. Các đơn vị thi công đều tập trung tất cả phương tiện kỹ thuật và nhân lực trong điều kiện có thể nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án, sớm đưa các công trình đi vào hoạt động. Theo ông Đặng Minh Tiến, đại diện Công ty TNHH Đại Phú Thịnh, chỉ huy trưởng gói thầu số 2, để đạt được tiến độ như mong muốn, phía công ty đã và đang sử dụng triệt để thời gian và nỗ lực làm việc, thực hiện việc tăng ca nhằm đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đặt ra. Công nhân trên công trường thường được duy trì từ 80 người đến 120 người…
Để đảm bảo đạt yêu cầu về tiến độ triển khai thực hiện dự án cấp nước cho thành phố Buôn Ma Thuột và các vùng phụ cận, hiện nay, ngoài những vấn đề đã nêu, đơn vị chủ đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương có đường ống đi qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị thi công. Bên cạnh đó, nguồn vốn đối ứng hơn 138 tỷ đồng để thực hiện dự án cũng cần được UBND tỉnh Đắk Lắk sớm xem xét, hỗ trợ cho chủ đầu tư nhằm đảm bảo thực hiện đúng các điều khoản đã ký trong Hiệp định vay cho chương trình ngành nước giữa Việt Nam và Ngân hàng phát triển châu Á.
Những nỗ lực của chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk cùng với Công ty TNHH MTV cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk trong việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột và một số vùng phụ cận không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài. Bởi trên thực tế, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân đang ngày một tăng cùng với sự gia tăng về dân số cả ở khu vực thành thị và vùng nông thôn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo