Thị trường

Thành phố Phúc Yên trên con đường phát triển mới

(DNVN) - Từ một thị xã nhỏ và nghèo, nhờ có bước đi phù hợp, biết khai thác một cách hiệu quả những lợi thế, Phúc Yên đã tạo bước đột phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành thành phố thứ 2, là vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc.

Đảo Ngọc trên hồ Đại Lải, một thắng cảnh của Phúc Yên.

 Đột phá nhờ xác định bước đi phù hợp

Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, thị xã Phúc Yên có diện tích hơn 12.000 ha, với dân số trên 10 vạn người. Có vị trí địa lý liền kề thủ đô Hà Nội, hệ thống giao thông thuận tiện, nhưng những năm trước đây, Phúc Yên chỉ là một địa phương nghèo, kinh tế kém phát triển.

Sau khi được tái lập, lãnh đạo thị xã Phúc Yên xác định: Muốn Phúc Yên trở thành một đô thị phát triển vững mạnh, cần phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch, đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo bước chuyển dịch tích cực và mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của Phúc Yên. Thị xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến đầu tư. Đến nay, đã có trên 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Toyota Boshoku Hà Nội và Nagakawa Nhật Bản. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm trên 95%; khu vực du lịch chiếm 4,4%; nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm trên 0,5%. Cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cũng từng bước phát triển. Năm 2017, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt trên 84.500 tỷ đồng, trong đó, khu vực trong nước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trên 82.400 tỷ đồng.

Đồng thời, hoạt động dịch vụ, du lịch luôn được Phúc Yên chú trọng đẩy mạnh. Các khu du lịch Đại Lải, du lịch sinh thái Flamingo, sân gofl Ngọc Thanh được đầu tư, xây dựng và hoàn thiện theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của du khách. Năm 2017, các khu du lịch đã đón nhận trên 200 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 198 tỷ đồng.                                                        

Bên cạnh đó, Phúc Yên cũng tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, áp dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Năm 2017, Phúc Yên đã xây dựng 1.680 ha lúa có năng suất, chất lượng cao, hơn 300 ha chuyên sản xuất rau, 15 ha trồng hoa, cây cảnh. Nhiều hộ nông dân đã có thu nhập trên 100 triệu/năm.

 

Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, nâng cao đời sống nhân dân

Là một xã cũ của Phúc Yên, xã Nam Viêm có diện tích tự nhiên trên 586 ha, dân số trên 7.800 nhân khẩu. ông Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Viêm cho biết: Xã đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng gắn với phát triển kinh tế, công nghiệp và dịch vụ. Từng bước hình thành “diện mạo đô thị”. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 270,5 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ đạt 86,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/năm, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang. Qua đó, xã đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chí để thành phường. Còn tại xã Tiền Châu, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Vinh Ngôn, xã đã tập trung quy hoạch các khu dân, đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, quy hoạch các vùng phát triển kinh tế, sản xuất theo hướng đô thị hóa, tạo tiền đề đưa địa phương lên phường. Cạnh đó, Nam Tiến, một xã của Phúc Yên cũng vừa thực hiện đủ các tiêu chí để Phường Nam Tiến từ một xã thuần nông đã trở thành phường trọng điểm của Phúc Yên...

       Lý giải về những kết quả trên, Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Tân cho biết: Phúc Yên có một số điều kiện thuận lợi, nhưng cơ bản là đã làm tốt việc mời gọi đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong những năm qua, các mặt xã hội, văn hóa của Phúc Yên không ngừng được tăng lên. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được củng cố, tình hình ANTT được giữ vững. Ngày 7 tháng 2 năm 2018, Phúc Yên đã được Quốc hội quyết định công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.

Trong thời gian tới, Phúc Yên sẽ tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị phù hợp với xu thế chung của cả tỉnh. Đồng thời, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng môi trường văn hóa, lối sống lành mạnh. Phấn đấu đưa thành phố Phúc Yên ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Vĩnh Phúc và của cả khu vực.

Bài và ảnh: Đào Nguyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo