Thanh toán trên thị trường trái phiếu sẽ hợp lý, tập trung hơn
Bộ Tài chính, NHNN đang xây dựng Đề án chuyển chức năng ngân hàng thanh toán trên thị trường trái phiếu từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sang NHNN. Mô hình mới có những ưu điểm gì so với mô hình hiện nay, thưa ông?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK, thời gian vừa qua, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính đã phối hợp với NHNN nghiên cứu, xây dựng Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP) từ NHTM sang NHNN.
Theo mô hình tổ chức và hoạt động thị trường TPCP hiện nay, ngân hàng thanh toán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) lựa chọn là BIDV. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, BIDV đã đảm nhiệm tốt vai trò này trong việc thanh, quyết toán các giao dịch TPCP, cũng như hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho các thành viên tham gia thị trường.
Việc xây dựng và thực hiện Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ NHTM sang NHNN là phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của tiến trình hội nhập. Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cũng khuyến nghị, các hoạt động thanh quyết toán giao dịch chứng khoán, nhất là thanh quyết toán giao dịch TPCP nên thực hiện tại ngân hàng trung ương.
Ưu điểm của mô hình mới so với mô hình hiện nay, theo ý kiến cá nhân tôi, là bước sắp xếp lại hệ thống thanh toán theo hướng hợp lý hơn, hướng tới tập trung hóa, hiện đại hóa hệ thống thanh toán chứng khoán quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế, từng bước đáp ứng yêu cầu kết nối và hội nhập trong lĩnh vực này.
Theo kế hoạch, khi nào NHNN sẽ chính thức đảm nhận chức năng làm ngân hàng thanh toán trên thị trường trái phiếu? Từ nay đến khi đó, những công việc nào các bên cần nỗ lực triển khai, thưa ông?
Hiện nay, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính và NHNN đang phối hợp để hoàn thiện Đề án và bàn các biện pháp triển khai. Hai bên tích cực tiến hành để Đề án sớm được phê chuẩn và triển khai thực hiện. Chúng tôi cũng còn đang cân nhắc lựa chọn, thiết kế mô hình thanh toán vừa theo thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Khi áp dụng mô hình mới vào hoạt động, cần có những thay đổi về khuôn khổ pháp lý, cũng như hệ thống các văn bản hướng dẫn. Việc này cần có thời gian, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý các lĩnh vực liên quan và phải chuẩn bị kỹ càng để đảm bảo việc chuyển giao diễn ra thông suốt, không gây ách tắc và xáo trộn hoạt động của thị trường.
Tháng 8/2012, NHNN, Bộ Tài chính đã phối hợp thực hiện đưa tín phiếu kho bạc lên niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX). Sau một năm triển khai, ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của quyết định trên?
Việc đưa tín phiếu kho bạc lên niêm yết trên HNX vừa đáp ứng được yêu cầu khách quan của thị trường, vừa góp phần đa dạng hóa và bổ sung công cụ, hàng hóa trong các giao dịch tài chính, làm tăng tính thanh khoản cho tín phiếu kho bạc, tăng độ hấp dẫn của công cụ này đối với các nhà đầu tư. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc huy động vốn của Kho bạc Nhà nước. Ngoài ra, việc giao dịch tín phiếu kho bạc trên thị trường thứ cấp đã góp phần từng bước hình thành đường cong lãi suất chuẩn, hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam.
Cũng như TTCK nói chung, sự sôi động của thị trường TPCP chịu ảnh hưởng rất lớn của việc điều hành chính sách tiền tệ từ NHNN. Xin ông cho biết những nét lớn trong điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm?
Hoạt động của TTCK chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có tác động từ các diễn biến của nền kinh tế thế giới, cũng như tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Thời gian vừa qua, NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành tín phiếu kho bạc, TPCP với lãi suất hợp lý; đặc biệt, việc điều hành lãi suất của NHNN theo xu hướng giảm đã góp phần giảm chi phí huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước.
Trong những tháng cuối năm 2013, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; sử dụng chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tập trung điều hành lãi suất và tỷ giá ổn định, phù hợp với diễn biến tiền tệ và các cân đối kinh tế vĩ mô; bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng yêu cầu thanh toán của nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo