Thị trường

Thanh tra chỉ rõ những con số vượt xa vốn của EVN

Tổng số vốn đầu tư ra ngoài ngành của EVN đã lên tới trên 121 nghìn tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có hơn 76 nghìn tỷ đồng. Còn hệ số nợ của tập đoàn này cũng vượt vốn sở hữu tới 3,2 lần.

Kết luận thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Thanh tra Chính phủ vừa công bố đã chỉ rõ EVN có một số sai phạm về vấn đề quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đầu tư ngoài ngành vượt, nợ chồng chất
 
Theo Thanh tra Chính phủ, giá trị đầu tư ngoài ngành của EVN đã vượt hơn 45 nghìn tỷ so với vốn điều lệ, trái với quy định của Bộ Tài chính về việc đầu tư ra ngoài ngành chưa mang lại hiệu quả kinh tế.
 
EVN đã thực hiện đầu tư vào tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hơn 1,9 nghìn tỷ đồng, vượt tỷ lệ cho phép của Chính phủ và Bộ Tài chính.
 
Nhiều sai phạm được chỉ ra tại Tập đoàn điện lực Việt Nam
 
Với thực tế đó, tính đến năm 2011, hệ số giữa nợ phải trả và vốn điều lệ của công ty mẹ EVN là hơn 2,7 lần còn hệ số giữa nợ phải trả và vốn sở hữu của Công ty mẹ EVN hơn 3,2 lần.
 
Công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành, làm tăng chi phí sản xuất định năm 2011 hơn 223,9 tỷ đồng. Thế nhưng, Công ty mẹ EVN vẫn mua 2 xe ô tô sang Toyota Land Cruise vượt quy định 3 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cho biết, Công ty mẹ EVN và Viettel chưa xử lý khoản công nợ liên quan đến bàn giao tài sản viễn thông. Trong đó, hơn 1,5 nghìn tỷ đồng là khoản EVN Telecom phải trả cho các tổng công ty điện lực; hơn 1,5 nghìn tỷ đồng là khoản Viettel nhận nợ thanh toán cho các đối tác của EVN Telecom; hơn 5,5 nghìn tỷ đồng là khoản phải thanh toán cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng của EVN Telecom; hơn 2,7 nghìn tỷ đồng là khoản phải trả cho EVN.
 
Nhiều đơn vị thành viên của EVN cũng có sai phạm, trong đó đáng chú ý là Tổng công ty Điện lực Hà Nội không bảo toàn được vốn trong năm 2011. Vốn đầu tư của EVN Hà Nội giảm 328,7 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả so với vốn điều lệ vượt quá quy định.
 
Không thể phá sản
 
Dù thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm và sự thiếu hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn nhà nước, song ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN khẳng định, mặc dù Tập đoàn phải đứng ra vay nợ cho các công ty con, nhưng sẽ không có rủi ro, Tập đoàn điện lực của 1 quốc gia không được phép vỡ nợ hay phá sản.
 
Với quan điểm tự tin đó, nên việc sử dụng tài chính tại tập đoàn này có nhiều bất hợp lý.
 
Trước đó, hồi tháng 9/2013, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra điểm bất hợp lý khi Bộ Công Thương, EVN đã mang chi phí xây dựng nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư, bể bơi, sân tennis… phục vụ mục đích  sinh hoạt cho cán bộ nhân viên với tổng số tiền hơn 595 tỷ đồng tính vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện, và số tiền này được tính vào giá bán điện.
 
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc làm trên của EVN vi phạm các quy định của Chính phủ. Không chỉ vậy, Cty mẹ EVN còn hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011 tại các dự án trên với số tiền hơn 223 tỷ đồng.
 
Theo đó, TTCP đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí (gần 600 tỷ đồng) xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện cũng như đối với các nhà máy, khu công nghiệp khác và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 2/2014.
 
TTCP cho hay, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài chính xử lý số tiền hơn 107 tỷ đồng do chi phí cho dự án 90 Lý Thường Kiệt nhưng EVN TPHCM hạch toán vào giá thành điện không đúng quy định, chi vượt định mức tiêu hao, lãng phí do EVN SPC dừng đầu tư 7 dự án. Đồng thời xử lý 3,1 tỷ đồng do thẩm định tiền lương Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc EVN năm 2010 trái chỉ đạo của Thủ tướng.
 
Dù lãnh đạo EVN tự tin như vậy, song TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng: Tập đoàn điện lực của 1 quốc gia không được phép vỡ nợ hay phá sản. Tuy nhiên mô hình quản trị thì hoàn toàn có thể thay đổi.
 
Đồng nghĩa với đó là sẽ thay đổi lãnh đạo quản trị mô hình đó. Chỉ đơn cử như việc thoái vốn ngoài ngành, Thủ tướng đã chỉ đạo nếu chậm thoái vốn lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị cách chức.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo