Thắt chặt quản lý ngoại hối
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chiều qua đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để cho ý kiến về Pháp lệnh Quản lý ngoại hối sửa đổi, dự kiến trình Thường vụ Quốc hội xem xét vào phiên họp tháng 12 tới. Pháp lệnh này nhằm thay thế văn bản cũ, có hiệu lực từ năm 2006 và theo Ngân hàng Nhà nước là có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế cũng như các văn bản pháp luật, cam kết quốc tế mới mà Việt Nam đã tham gia.
Với tư tưởng chính là góp phần hạn chế giao dịch ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, thu hút nguồn ngoại tệ trôi nổi vào ngân sách Nhà nước, dự thảo Pháp lệnh được thiết kế theo hướng thắt chặt hơn việc sử dụng ngoại tệ (trong đó có cả vàng). Việc làm này được kỳ vọng là sẽ góp phần khắc phục tình trạng "ở Việt Nam, quản lý đồng tiền còn kém hơn cả Lào, Campuchia", như nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Cao Sĩ Kiêm so sánh.
Ở hầu hết các khoản mục của dự thảo, quy định đều được điều chỉnh theo hướng thắt chặt hơn. Chẳng hạn Điều 22 quy định mọi giao dịch, hợp đồng, niêm yết... trên lãnh thổ Việt Nam đều không được phép sử dụng ngoại tệ, trừ một số trường hợp do Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Quy định này được nhiều đại biểu cho rằng "hơi chặt" khi dễ nảy sinh nhiều trường hợp gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như lợi ích quốc gia. Là người hoạt động trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đưa ra nhiều ví dụ để cho thấy những thiệt thòi của doanh nghiệp nếu không cho phép ký hợp đồng bằng ngoại tệ.
Đa phần các thành viên Ủy ban Kinh tế đều đánh giá cao dự thảo lần này. Ảnh: Nhật Minh
"Chẳng hạn một hợp đồng thuê đất trong khu công nghiệp ký năm 2008, khi đó tỷ giá khoảng 17.000 - 18.000 đồng một USD. Nhưng đến năm 2012, tỷ giá đã lên khoảng 20.000 đồng. Nếu phải ký bằng tiền đồng từ thời điểm đó thì đến nay không những doanh nghiệp mà nguồn thu của quốc gia cũng bị ảnh hưởng", nữ đại biểu này nói.
Bà Hường cũng dẫn thêm trường hợp một khách sạn 5 sao tại Hà Nội vừa bị phạt 500 triệu đồng vì niêm yết giá phòng bằng ngoại tệ. "Điều này về lý thì đúng nhưng theo tôi, nhân việc sửa pháp lệnh lần này, nên cho phép một số loại hình dịch vụ mang tính quốc tế được niêm yết giá theo chuẩn quốc tế", doanh nhân này gợi ý.
Một ví dụ khác là quy định nhà đầu tư nước ngoài phải lập tài khoản tại Việt Nam để chuyển tiền đặt cọc đầu tư. Quy định này theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường là không hợp lý vì tại thời điểm ký biên bản ghi nhớ để thuê đất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất thì nhà đầu tư nước ngoài hầu hết chưa có pháp nhân ở Việt Nam, do đó khó có thể mở tài khoản. Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng nên nghiên cứu một cơ chế riêng nhằm khuyến khích loại hình đầu tư này.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lò Văn Muôn cũng nêu ra một bất cập khác là dự thảo lần này loại hợp tác xã ra khỏi đối tượng "người cư trú", do đó không được phép vay vốn để trả nợ nước ngoài. "Theo tinh thần luật đang được Quốc hội xem xét thông qua thì hợp tác xã cũng được coi là tổ chức kinh tế, có pháp nhân. Do đó không nên hạn chế việc vay vốn của họ", đại biểu Muôn đề xuất.
Dự thảo pháp lệnh lần này nhìn chung nhận được đánh giá cao từ các đại biểu là chuyên gia kinh tế. Đại biểu Trần Du Lịch ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước khi quy định việc dự trữ ngoại hối theo hướng đa dạng hóa đồng tiền, phù hợp với bối cảnh quốc tế. Đại biểu này cũng đề xuất giao quyền cho Thủ tướng trong việc yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải kết hối trong các trường hợp phải bình ổn thị trường. "Vì khi thị trường biến động mạnh thì các ông lớn này rất hay đầu cơ", ông nhận xét.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Nguyễn Văn Phúc lại bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo lần này vẫn còn quá nhiều điều khoản giao Chính phủ, Thủ tướng hoặc Ngân hàng Nhà nước quy định sau. "Chẳng hạn như giao Ngân hàng Nhà nước quản lý dự trữ ngoại hối, quản lý vàng thuộc dự trữ ngoại hối (bao gồm vàng miếng, vàng thỏi) nhưng việc sử dụng như thế nào thì chưa quy định, ai được quyền quyết định cũng chưa có", ông Phúc nói.
Phát biểu cuối phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ cố gắng tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu nhằm chỉnh sửa dự thảo trước khi trình Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào tháng 12. Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh tính cần thiết của việc ban thông qua pháp lệnh này, bởi nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp với thực tế cũng như cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Do tính chất quan trọng của việc quản lý ngoại hối, cũng có ý kiến đại biểu đề xuất thay vì sửa đổi pháp lệnh, nên xây dựng thành luật và để Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, do yêu cầu bức thiết từ phía Ngân hàng Nhà nước, trong khi nếu xây dựng luật thì sớm nhất đến năm 2014 mới có hiệu lực (trải qua 2 kỳ họp cộng thêm 6 tháng), do đó, Phó chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Nguyễn Văn Giàu đều thống nhất chưa đặt ra vấn đề này ở thời điểm hiện nay.
Trần Anh (Theo VnExpress)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines