Thất thu ngân sách do trốn thuế và giảm mạnh nguồn thu
Nguồn thu ngân sách giảm
(tienphong) Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng sớm phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân gần 90 triệu đồng/ha/năm, gấp 2-3 lần bình quân cả nước, là tỉnh vài năm gần đây dẫn đầu về thu ngân sách.
Bà Phùng Thị Hiền, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho biết năm 2012, địa phương đưa ra mức phấn đấu thu 4.650 tỷ đồng, thực hiện chỉ được 4.004 tỷ. Năm 2013 dự toán thu nội địa 3.463 tỷ đồng, chỉ tiêu tổng thu mọi nguồn khoảng 5.500 tỷ, nhưng nhiều sự cố dẫn đến nguy cơ khó đạt.
Đăk Lăk có kim ngạch xuất khẩu cà phê lớn nhất nước, nhưng năm 2012 thu cân đối ngân sách trên địa bàn chỉ được 3.690 tỷ đồng, hụt 510 tỷ so với chỉ tiêu tỉnh tự đề ra.
Ông Lương Văn Dũng, trưởng phòng ngân sách Sở Tài chính Đăk Lăk cho biết: Thông thường 6 tháng đầu năm phải gom được hơn 60% dự toán thu thì cuối năm mới có thể hoàn thành chỉ tiêu. Năm 2013. Trung ương giao Đăk Lăk thu 4.053 tỷ đồng, nhưng hết 6 tháng đầu năm nay mới thu được có 1.700 tỷ, chỉ bằng 88,5% so với cùng kỳ năm trước.
Là tỉnh diện tích rộng nhất Tây Nguyên, năm 2012 Gia Lai thu ngân sách 3.600 tỷ đồng. Ông Đoàn Khánh Vân, Cục trưởng Cục Thuế Gia Lai chia sẻ: Năm nay tỉnh giao chỉ tiêu thu 3.700 tỷ đồng, cố lắm hết 6 tháng mới được 50%, cũng nhờ may mắn thêm được mấy chục tỷ phát sinh từ thuế chuyển nhượng dự án.
Thất thu vì trốn thuế, né phí
Theo báo cáo của Chi cục Thuế Buôn Ma Thuột: Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, 6 tháng đầu năm 2013 có hơn 7.200 lượt doanh nghiệp kê khai không phát sinh số thuế phải nộp, gần 200 doanh nghiệp tạm nghỉ hoặc nghỉ hẳn kinh doanh. Chính sách cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 khiến ngành xây dựng rất khó khăn. Riêng số công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột hiện đã nợ 41 đơn vị xây dựng tới hơn 152 tỷ đồng, khiến các đơn vị này nợ lại tiền thuế 13,3 tỷ đồng.
Một nguồn thu đáng kể ở Tây Nguyên là thuế và phí từ các công trình thủy điện thì giảm mạnh vì thiếu nước phát điện. 7 nhà máy thủy điện lớn là Đa Nhim, Ya Ly, Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3, Sêrêpốk 4, Đắk Rtik mỗi năm tổng cộng nộp cả nghìn tỷ đồng tiền thuế và phí; 48 nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ mỗi năm cũng đóng vài trăm tỷ đồng. Do khô hạn, hầu hết các nhà máy chỉ sản xuất được phân nửa công suất so với thiết kế. Thuế, phí vì vậy mà giảm theo.
Đem lại nguồn thu hàng đầu, nhưng lĩnh vực kinh doanh nông sản đang phát sinh vô số thủ đoạn né thuế. Lợi dụng chủ trương thông thoáng về cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trao quyền cho doanh nghiệp tự in hoá đơn, nhiều “công ty ma” liên tỉnh ra đời chỉ để mua bán hóa đơn bất hợp pháp, cơ quan điều tra nhận hồ sơ tố cáo nhưng khó lần ra thủ phạm.
Nhiều cơ sở kinh doanh khi nợ thuế lớn thì ngưng hoạt động, lập doanh nghiệp mới để xù nợ. Nhiều đại lý vận chuyển cà phê ra khỏi tỉnh mà không xuất hoá đơn bán hàng... Riêng các thủ đoạn này có thể gây thất thu thuế giá trị gia tăng trong mua bán nông sản trên địa bàn Tây Nguyên đến vài trăm tỷ đồng.
Trước tình hình trên, lãnh đạo các tỉnh đã ban hành các chỉ thị về việc chống thất thu thuế, tăng cường công tác kiểm tra, công khai giao dịch qua mạng, ngành thuế đốc thúc thi đua, v.v… Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi buôn lậu, chiếm đoạt thuế phí trên địa bàn Tây Nguyên đến nay vẫn không mấy hữu hiệu, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa./.
Thiên Nga
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết