Thị trường

Thay đổi để thu hút đầu tư

Ông Tadashi Maeda - GĐ điều hành Tập đoàn Tài chính cơ sở hạ tầng toàn cầu tại Tokyo, cố vấn đặc biệt của Chính phủ Nhật - cho rằng để thu hút vốn cho hạ tầng, Việt Nam cần thay đổi chính sách, minh bạch...

Trao đổi với Tuổi Trẻ nhân chuyến làm việc tại Việt Nam mới đây, ông Tadashi nói:

 

- Hiện nay Việt Nam đang đứng đầu trong danh sách những quốc gia sử dụng nguồn vốn hỗ trợ và phát triển (ODA) từ Nhật Bản. Về lâu dài không thể duy trì mãi như vậy, mà TP.Hồ Chí Minh và Việt Nam phải có những thay đổi trong chính sách đầu tư để tách ra khỏi sự lệ thuộc với nguồn vốn này.

 

* Cụ thể chính sách đầu tư nên thay đổi như thế nào, thưa ông?

 

- Tôi đề nghị thêm một hình thức đầu tư nữa tại Việt Nam là PPP (hợp tác công - tư - public private partnerships), tức là phối hợp giữa lĩnh vực công và tư nhằm huy động sức mạnh của hai khối này để đầu tư vào những khu vực nhắm thấy có lợi cho phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế.

 

Ở đây Việt Nam cần phân biệt rõ giữa những dự án nào nên sử dụng nguồn vốn ODA cho hữu hiệu, ví dụ như khu vực cấp và thoát nước hay những khu vực khác không đem lại lợi nhuận khiến các khối tư nhân không tham gia. Còn những khu vực nào có thể khai thác được khối tư nhân thì phát triển thêm, biến nó thành PPP để huy động sức mạnh đầu tư.

 

Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư theo PPP một cách đồng nhất trên phạm vi toàn quốc sẽ rất khó do sự phát triển giữa các thành phố lớn và các vùng nông thôn của Việt Nam chênh lệch nhiều. Do vậy Việt Nam phải có chính sách thu hút đầu tư và kêu gọi đầu tư rõ ràng, thỏa đáng và biết sử dụng nội lực của các vùng kinh tế đầu tàu như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

 

* Thật ra mô hình PPP đã được đề cập nhiều tại Việt Nam, thế nhưng trên thực tế vẫn còn quá ít dự án áp dụng hình thức này? Kinh nghiệm từ Nhật cho thấy làm cách nào để triển khai thành công, thưa ông?

 

- Khi áp dụng PPP, Việt Nam cần có cơ chế rõ ràng để tuyển chọn một cách minh bạch những doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân vào các dự án đầu tư. Và nếu cần thiết có thể thông qua Chính phủ để có những hỗ trợ cụ thể cho những nhà đầu tư này.

 

Chẳng hạn như ở TP.Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thông qua Công ty Đầu tư tài chính TP.Hồ Chí Minh kết hợp với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) để xây dựng một quỹ chuyên về đầu tư phát triển.

 

Tuy nhiên không thể xây dựng và lấy số tiền quỹ này để đầu tư một cách vội vàng mà chúng tôi đề nghị thành lập một ban để xem xét tính khả thi của các dự án, sau đó chúng ta lựa chọn những dự án tốt để xúc tiến đầu tư. Hiện nay chúng tôi đã có mô hình này tại Ấn Độ và theo tôi, nên áp dụng mô hình này vào TP.Hồ Chí Minh.

 

* Hiện các doanh nghiệp của Nhật đang quan tâm tới những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nào tại Việt Nam, thưa ông?

 

- Thời điểm này các doanh nghiệp Nhật Bản đang có một dự án đầu tư ở Hải Phòng và dự án sân bay quốc tế Long Thành. Chỉ tính riêng con số đầu tư vào sân bay quốc tế Long Thành của các doanh nghiệp Nhật đã khoảng 130 tỉ yen.

 

Dự án này đang có ba hạng mục để xây dựng và đầu tư là đường băng, bộ phận quan sát điều khiển và hệ thống nhà ga sân bay. Trong đó khu vực đường băng sử dụng nguồn vốn ODA, còn lại hai hạng mục kia sử dụng nguồn đầu tư của các doanh nghiệp.

 

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh mới đây, chúng tôi đề nghị xây dựng thêm cơ sở hạ tầng để nối liền giữa sân bay này và trung tâm TP.Hồ Chí Minh cũng như sân bay Tân Sơn Nhất. UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết đã có dự án xây dựng đường cao tốc, tuy nhiên việc xây dựng đường cao tốc này không thuận tiện và hữu ích bằng xây dựng hệ thống đường tàu.

 

Tiếp theo ý kiến chúng tôi, UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng nên chăng nối liền tuyến đường sắt này vào hệ thống metro số 1 của TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm tham gia các dự án ở Anh và Nhật Bản, tôi thấy việc này không thuận tiện vì khách đi máy bay sẽ mang hành lý cồng kềnh, do vậy cần có một đường chuyên dụng, toa tàu chuyên dụng để chở hành khách đến và đi máy bay, tránh trường hợp tắc nghẽn đường hay xảy ra tại TP.Hồ Chí Minh.

 

 

Theo TT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo