Thay đổi kết cấu đê sông Hồng: Vẫn đảm bảo chịu lực, chắn lũ
Về thông tin dư luận đang xôn xao việc Hà Nội đề xuất hạ đê hữu sông Hồng để làm giao thông, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định đã xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin báo chí về việc Hà Nội không kiến nghị hạ cốt đê sông Hồng.
“Chúng tôi kiến nghị thay đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến An Dương từ đê bằng đất chuyển thành đê bê tông. Thực tế từ đoạn Phúc Tân đến An Dương đã làm rồi. Nếu làm thì kiến trúc cầu An Dương sẽ đẹp hơn”, Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu chính quyền Hà Nội, đề xuất chuyển từ đê đất sang đê bê tông sẽ mở rộng mỗi bên hai làn đường 3,7 m. Toàn bộ khu vực từ khách sạn Thắng Lợi đến An Dương đã xin ý kiến người dân và nhận được sự đồng tình rất cao, báo Zing.vn đưa tin.
Liên quan đến khả năng chống lũ khi thay đổi kết cấu đoạn đê này bằng đê bê tông, Chủ tịch Hà Nội giải thích hiện nay ở lưu vực sông Đà đã có thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, còn sông Lô có thủy điện Na Hang và trên sông Hồng có thủy điện của phía Trung Quốc. Đặc biệt hai bên đoạn đê này người dân đã xây nhà kín vì thế kết cấu đê bê tông sau khi thay đổi sẽ không chịu áp lực trực tiếp của mực nước và sóng nước khi nước nâng cao, báo PL TP.HCM đưa tin.
“Với công nghệ hiện nay chúng ta làm đê bê tông thì hoàn toàn có thể chịu lực được. Chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT sớm có ý kiến để chúng tôi có thể triển khai dự án này”, ông Chung đề nghị.
Theo đề xuất này, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu. Đồng thời, phương án này sẽ tạo điều kiện mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt nút giao đường Thanh Niên – cửa khẩu An Dương, tạo được cảnh quan đô thị cho tuyến phố.
End of content
Không có tin nào tiếp theo