Thay đổi tư duy khi cấp tín dụng
Để giải quyết bài toán cung ứng vốn cho nền kinh tế hiệu quả, theo TS. Lê Thành Trung – Phó tổng giám đốc HDBank, không chỉ dựa trên tiêu chí DN đó tốt hay không tốt mà quan trọng là xác định đúng thực trạng sức khỏe của DN để “kê đơn bốc thuốc” cho họ.
TS. Lê Thành Trung – Phó tổng giám đốc HDBank đã bày tỏ quan điểm như vậy khi bàn đến vấn đề tăng trưởng tín dụng.
Thời gian qua các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng với lãi suất khá ưu đãi. Song tín dụng vẫn chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng, thưa ông?
Đúng là trên thực tế các NHTM đều tuyên bố sẵn sàng vốn cho vay khách hàng tốt. Nhưng DN tốt lại không cần vay, trong khi DN chưa tốt thì nhu cầu vay vốn khá lớn. Ngân hàng nào cũng muốn có khách hàng tốt để cho vay, nên có thể nói ngân hàng đang “đốt đuốc” tìm DN. Đây là nghịch lý, nếu không giải quyết được thì tín dụng không thể tăng trưởng được.
Theo ông, tại sao lại có tình trạng như vậy?
Ngân hàng đã trải qua một thời kỳ cung ứng tín dụng một cách thuần túy. Khi cần DN đến ngân hàng xin vay, đến kỳ mang trả tiền cho ngân hàng. Ngân hàng cũng không khắt khe trong thẩm định cho vay nên trong thời gian qua chất lượng tín dụng giảm sút, nợ xấu tăng… khiến giờ các ngân hàng thắt chặt khẩu vị rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Để kiểm soát mục tiêu trên, các ngân hàng chỉ cho vay khách hàng tốt. Và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nghịch lý trên.
Vậy mấu chốt để giải quyết vấn đề trên là gì?
Để giải quyết bài toán cung ứng vốn cho nền kinh tế hiệu quả, theo tôi không chỉ dựa trên tiêu chí DN đó tốt hay không tốt mà quan trọng là xác định đúng thực trạng sức khỏe của DN để “kê đơn bốc thuốc” cho họ. Khi đó nguồn vốn cung ứng ra mới được DN sử dụng hiệu quả. Để làm điều đó đòi hỏi các ngân hàng tăng kỹ năng cho vay chứ không đơn thuần là “phát vay” như trước kia.
Ví dụ, một DN có nợ quá hạn, hàng tồn kho nhiều, nhưng họ mong muốn vay thêm vốn để khắc phục tình trạng tài chính DN mình. Khi ngân hàng thẩm định, nếu phương án vay tốt thì giải ngân luôn. Còn nếu chưa được, ngân hàng sẽ phải tham gia tư vấn, trợ giúp DN hoàn thiện phương án về mẫu mã sản phẩm hay thị trường. Và khi ngân hàng quyết định cho DN này vay phải kiểm soát chặt dòng tiền của DN trong một thời gian, có thể là 6 tháng.
Trong thời gian đó, tôi tin rằng với sự trợ giúp của ngân hàng, DN sẽ ổn định, phát triển trở lại. Nếu thực hiện như vậy thì cung – cầu vốn mới có thể gặp nhau. Vấn đề chính là thay đổi tư duy trong phương thức cấp tín dụng không chỉ dựa DN tốt, tài sản đảm bảo. Tất nhiên sự thay đổi này không phải đơn giản. Và để làm được, đòi hỏi ngân hàng phải có đội ngũ cán bộ am hiểu, giỏi nghiệp vụ tín dụng.
Đã hết quý I/2013 tín dụng vẫn tăng chậm, như vậy có đáng lo ngại, thưa ông?
Theo tôi là không đáng lo. Bởi, theo thường lệ quý I là thời điểm nhu cầu sử dụng vốn của DN không cao do vướng mùa vụ, lễ Tết. Do đó, phải sang quý II tín dụng mới tăng trở lại khi tín hiệu vĩ mô rõ nét. Tất nhiên chúng ta không kỳ vọng tín dụng bứt phá ngay được mà phải đến sau quý II, thậm chí phải sang quý III mới tăng mạnh.
Cơ sở nào để ông đưa ra nhận định trên?
Vì những lý do: cả hệ thống chính trị đang quyết tâm cao tháo gỡ khó khăn. Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp chủ yếu đã đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP... khẩn trương, quyết liệt đưa các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đi vào cuộc sống…
Cụ thể Bộ Tài chính hướng dẫn gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; chính sách hỗ trợ thị trường BĐS của NHNN; xu hướng giảm lãi suất cũng khá rõ nét; các kênh đầu tư khác vẫn khá bấp bênh chưa có điểm sáng sẽ kích thích DN quay trở lại chu trình sản xuất kinh doanh thực...
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Minh Trí
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo