Tin tức - Sự kiện

Thay lãnh đạo tỉnh chậm giải phóng mặt bằng

Bức xúc trước việc giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh quá chậm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm nếu lãnh đạo địa phương tiếp tục để chậm tiến độ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sẽ kiểm điểm nghiêm khắc lãnh đạo địa phương tiếp tục để chậm tiến độ GPMB dự án mở rộng QL 1 và đường Hồ Chí Minh.

Tại cuộc họp trực tuyến sáng nay về kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác GPMB hai dự án trên do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, chỉ có một số ít địa phương bàn giao gần đủ mặt bằng cho đơn vị thi công như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Đơn cử như Thanh Hóa, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hồi, Thanh Hóa đã bàn giao được hơn 46/63km chạy qua địa bàn tỉnh. Có tới 6.600 hộ dân thuộc diện phải GPMB nhưng Thanh Hóa đã giải quyết xong 76%.
 
Vướng mắc hiện nay là nhiều diện tích đất không còn hoặc không đủ giấy tờ để xác định nguồn gốc đất nên rất khó tính đơn giá đền bù hợp lý.
 
Ngoài ra, theo ông Hồi, do địa phương đang rất khó khăn về vốn vì hụt thu ngân sách nên thiếu kinh phí để triển khai nhanh việc đền bù, GPMB.
 
Tương tự, tại Hà Tĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Kỳ cho biết, đến thời điểm này, chỉ còn 12% chưa hoàn thành GPMB cũng do không thể xác định nguồn gốc đất để tính phương án đền bù.
 
Còn tại Nghệ An, hiện còn khoảng 20,5km chưa bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân, theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, là do số lượng hộ phải tái định cư tập trung khá lớn, nhưng địa phương đang thiếu vốn xây dựng khu tái định cư dẫn tới chậm tiến độ.
 
Tuy nhiên, còn lại rất nhiều địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận…, việc GPMB gần như dậm chân tại chỗ, dù hạn cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng là cuối tháng 12/2013.
 
Đây đã là cuộc họp thứ 3 nhưng tiến độ bàn giao mặt bằng của các tỉnh này chỉ đạt 30-40%, thậm chí ít hơn. Như Ninh Thuận, chỉ có hơn 17km phải GPMB, đa phần là đất nằm ngoài đô thị nhưng sau mấy năm vẫn chỉ bàn giao được 5,4km.
 
“Nếu không làm được thì lãnh đạo tỉnh nên từ chức để người khác thay, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, không phải hứa rồi để đấy”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình thằng thắn.
 
Lấy kinh nghiệm của Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa...làm bài học cho các địa phương chậm tiến độ, Phó Thủ tướng cho rằng: “Số lượng hộ dân phải đền bù lớn nhưng các tỉnh này vẫn làm được là do quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo. Nếu lãnh đạo các địa phương chậm tiến độ, lãnh đạo cứ mỗi tuần dành hai buổi thị sát thực tế, gặp gỡ người dân và chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn như Hà Tĩnh đang làm, liệu tiến độ có ì ạch như hiện nay không?”.
 
Theo giải trình của các địa phương chậm tiến độ, ngoài nguyên nhân về khó xác định nguồn gốc đất, vốn dành cho các dự án sử dụng ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ chậm nên địa phương không thể triển khai đền bù.
 
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài Chính bác bỏ thông tin này và cho biết, Bộ Tài chính đã được giải ngân 5.000 tỷ đồng dành cho các dự án này và đã giải ngân gần 3.000 tỷ cho một số địa phương.
 
Các địa phương chưa được nhận là do chậm xây dựng phương án hoặc hồ sơ thiếu, không hợp lệ, còn nguồn tiền thì đang thừa tới 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Giao thông – Vận tải, dù đã được nhận vốn trái phiếu Chính phủ, nhưng một số dự án tại Quảng Bình chỉ giải ngân được 1,12%; tại Quảng Trị đạt 6,03%, Bình Định 4,03% và ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận thậm chí tỷ lệ giải ngân còn bằng không.
 
Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cam kết đến cuối tháng 12/2013 phải bàn giao cơ bản toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.
 
Những đoạn còn vướng mắc sâu về xác định nguồn gốc đất phải xin hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài nguyên – Môi trường để nhanh chóng bàn giao nốt trong tháng 1/2013.
 
“Trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ lần thứ 4 vào tháng 2/2014, nếu không hoàn thành tôi sẽ đề nghị hình thức kiểm điểm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo