Thế cờ kinh doanh đã thay đổi
Luật chơi đã thay đổi, chính vì vậy mà các doanh nghiệp (DN) cũng như cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn thẳng vào hiện trạng, xem xét lại năng lực của chính mình, so với chuẩn mực quốc tế hiện hành, đối tác của mình để biết được khi nào nên phòng thủ, lúc nào phải tấn công.
Đó là những nội dung chính của hội thảo “Cơ hội 2015-2016: Kinh doanh trong thế cờ thay đổi” chiều 31-10 tại TP HCM.
Các diễn giả thừa nhận năm 2015-2016 sẽ có nhiều thay đổi mang tính chất bước ngoặt đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA)… dự kiến sẽ hình thành, có nghĩa là dù muốn hay không, DN Việt buộc phải bước vào “ván cờ” mới.
Lo ngại việc “con voi” thép Nga tràn vào, giẫm chết “con kiến” thép Việt Nam khi tham gia EVFTA, ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng ngành thép phải đi vào thế phòng ngự khi tham gia cuộc chơi này. Vì vậy, hiệp hội đề xuất một số mặt hàng cần được bảo hộ để DN có điều kiện tăng năng lực cạnh tranh. Theo ông Khải, vấn đề cần cải thiện sớm là năng lực cạnh tranh của chúng ta còn quá kém. Sản xuất 1 tấn phôi thép, DN trong nước phải tốn gấp 3 lần chi phí điện so với Nga.
Về nguồn vốn từ các tổ chức trong nước, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng chưa ai có thể trả lời được câu hỏi liệu việc Ngân hàng Nhà nước vừa hạ lãi suất có phải nhằm khai thông vốn cho DN hay nhằm giảm chi phí, giải quyết bài toán lỗ cho các ngân hàng.
Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi cho rằng Việt Nam cần tập trung xử lý những điểm yếu của ngân hàng. “Thị trường vốn còn nhiều lỗ hổng, trong 3 năm mà các ngân hàng trong nước có hơn 400 nhân viên, quan chức bị truy tố, vào tù” - ông Nhi nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng các DN đừng quá chủ quan khi chỉ nhìn vào lợi thế của mình trong hiện tại bởi mọi thứ sẽ thay đổi. DN dệt may không thể chỉ dựa vào nhân công giá rẻ mà phải sáng tạo, cạnh tranh bằng công nghệ, làm sao để có thể một vài năm tới, công nhân không phải ngồi may mà có thể ngồi dán áo. Về ngành thép, bà Lan không chỉ lo sản phẩm Nga tràn vào mà ngay cả thép của Formosa (Hà Tĩnh) có khi “bao” luôn thị trường trong nước vì công suất của họ rất lớn.
“Môi trường kinh doanh, thế cờ phải nhìn nhận từ nhà nước và DN. Mình sẵn sàng chơi hay chưa? Lo nhất là nhà nước ưu đãi quá nhiều cho việc thu hút đầu tư nước ngoài để tạo vị thế nhưng thực tế có khi chúng ta đã trói tay người nhà để nhường sân cho nước ngoài. Tỉ lệ sản xuất công nghiệp cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm đến 70% tổng giá trị sản phẩm. Vì thế, có thể nói, nhà đầu tư nước ngoài đã làm thay đổi cục diện của nền kinh tế nước ta. Hội nhập là để mình mượn thế vươn lên chứ không thể là càng lúc càng bé đi” - bà Lan nhận định.
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo