Thế giới Di động sắp lên sàn với mã MWG
Đầu xuân Giáp Ngọ, ông Trần Kinh Doanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới Di động chia sẻ với PV về các dự định của doanh nghiệp sau khi niêm yết cổ phiếu MWG lên sàn chứng khoán.
Năm 2014, Công ty Thế giới Di động dự kiến niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Xin ông cho biết hiện kế hoạch này thực hiện đến đâu?
Nội bộ hội đồng quản trị chúng tôi đã thống nhất kế hoạch nhưng vẫn còn một số thủ tục cần thiết phải thực hiện. Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, chúng tôi sẽ niêm yết vào khoảng cuối quý I hoặc muộn nhất là quý II năm nay.Công ty đặt những mục tiêu gì sau khi niêm yết cổ phiếu, thưa ông?
Khi một doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn, mục tiêu huy động vốn từ công chúng là rất lớn. Nhưng đối với Thế giới Di động, chúng tôi không có nhu cầu đó vào lúc này. Lên sàn chủ yếu xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Cách đây nhiều năm, chúng tôi đã cam kết sẽ lên sàn để một số cổ đông thoái vốn thuận lợi.
Một doanh nghiệp khi đã sẵn sàng để niêm yết phải bảo đảm các yếu tố như kết quả kinh doanh ổn định, chấp nhận phong cách vận hành cởi mở, minh bạch. Xét theo các yếu tố này, tôi thấy Thế giới Di động không gặp vấn đề gì. Thực ra có thể nói công ty lên sàn chứng khoán cũng được, mà không niêm yết thì cũng không sao. Nhưng chúng tôi vẫn xem đây như một cơ hội đầy thách đố và cảm thấy phấn khởi để tiếp tục vận hành theo hướng này.
Trước đây, một số công ty từng rơi vào tình trạng niêm yết xong nhưng diễn biến thị trường không thuận lợi khiến giá cổ phiếu giảm. Công ty có những bước chuẩn bị gì nếu điều này tái diễn?
Thực ra không có công ty nào muốn cổ phiếu của mình được nhìn nhận là không tốt. Tôi nghĩ giá trị thật một cổ phiếu gắn liền với năng lực kinh doanh của chính doanh nghiệp và cũng chỉ có cách này mới bền vững. Còn tất cả những yếu tố như ngắn hạn, kỹ thuật hay cách thức tác động lên giá cổ phiếu đều không khiến giá trị của mình tồn tại lâu dài.
Hiện thời mục tiêu chính của chúng tôi là phấn đấu gia tăng thị phần, lo phục vụ khách hàng và công việc kinh doanh tốt hơn. Xoáy vào tất cả những khía cạnh này tôi cũng không lo giá cổ phiếu có thể đi xuống. Tôi nghĩ nếu mình không làm giá cổ phiếu phát triển từ gốc, lo toan sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Năm 2013, lợi nhuận của Thế giới Di động hơn 250 tỷ đồng và dự báo sang năm nay sẽ đạt trên 350 tỷ đồng. Nếu chúng tôi có thể tạo ra lợi nhuận tăng trên 30% như vậy, giá trị công ty cũng đồng nghĩa tăng mức độ tương đương. Tôi tin rằng giá cổ phiếu theo đó cũng như vậy.
Lĩnh vực thiết bị di động đang được đánh giá là tiềm năng và xuất hiện nhiều gương mặt mới. Ông nhận định thế nào về tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành?
Nhìn trên thị trường hiện nay, tôi thấy nổi lên hai đơn vị bán lẻ điện thoại rất nhanh là Thế giới Di động và FPT. Tuy nhiên, trong phương châm hoạt động, chúng tôi cũng không đặt nặng vấn đề đối thủ của mình là ai hay mình phải làm gì để chiến thắng.
Vấn đề nằm ở ở chỗ một thị trường như ở Việt Nam, tới 50% thị phần bán lẻ điện thoại vẫn trong mô hình truyền thống. Như vậy cơ hội để chúng tôi gia tăng thị phần còn rất nhiều. Đua với chính bản thân cũng đủ bận rộn, làm sao nghĩ được ai là đối thủ của mình. Chẳng hạn hôm nay mình làm sản phẩm thế này, ngày mai phải tính cách sao cho nó tốt hơn.
Ngoài thiết bị di động, điện máy cũng là thị trường công ty đang nhắm tới. Ông có thể chia sẻ quan điểm về sự khác biệt giữa phân khúc hai miền Nam-Bắc trong lĩnh vực này?
Tôi thấy rõ ràng Việt Nam vẫn chưa có những công ty bán lẻ về điện máy vươn tầm hoạt động và bao phủ toàn quốc. Một số thương hiệu rất nổi tiếng trong miền Nam cũng chỉ có chi nhánh ở hai thành phố lớn là chính. Tỷ trọng kinh doanh điện máy trong các công ty bán lẻ điện thoại cũng còn rất nhỏ, chưa ăn thua so với lĩnh vực chính.
Như vậy các công ty bán lẻ điện máy theo mô hình hiện đại có rất nhiều cơ hội. Chúng tôi nhận thấy điều này và quyết định thử sức. Bước đầu công ty cũng gặp một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn trong cơ cấu doanh thu, điện máy chiếm tỷ trọng không đáng kể. Năm 2013 chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng nhưng điện máy chỉ chiếm dưới 20%.
Dù vậy, chúng tôi vẫn đang nhìn thị trường này với một tâm thế tích cực để mở rộng đầu tư. Hiện Thế giới Di động mới chỉ có khoảng 14 siêu thị điện máy trong miền Nam, thị phần vẫn rất nhỏ với khoảng 2-3% trong khi miền Bắc chưa mở chiếc nào.
Vậy ông dự kiến đến khi nào công ty mới sẵn sàng “Bắc tiến”?
Hơi khó để đưa ra câu trả lời chính xác là ngày nào, giờ nào sẽ Bắc tiến. Tôi nghĩ công ty phải tiếp tục phát triển kinh doanh mạnh mẽ hơn trong khu vực miền Nam vào năm 2014, sau đó mới tiến ra phía Bắc. Trong văn hóa của Thế giới Di động, khi phát triển thị trường, chúng tôi nhìn vào cả quốc gia chứ không riêng vùng miền. Vấn đề chỉ là thời điểm sớm hay muộn.
Hơn nữa, người ta chỉ nhân rộng và trở nên vững chắc khi làm điều gì đó thực sự tốt. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình làm cho sản phẩm bán lẻ điện máy trở nên hoàn hảo. Khi đến giai đoạn nào đó cảm thấy chín muồi, việc mở rộng mới dễ có cơ hội thực hiện. Có lẽ phải đến 2015 chúng tôi mới ra miền Bắc và Trung.
Trong 5 năm tới Thế giới Di động có những mục tiêu ra sao, thưa ông?
Người Việt Nam khi được hỏi có biết về thương hiệu của chúng tôi, họ nói rằng “biết”. Nhưng cách để họ biết mình thế nào, hoặc mình mong muốn được quan tâm theo hướng ra sao vẫn là câu hỏi lớn. Trong năm nay chúng tôi sẽ phải tập trung vào vấn đề này.
Một trong những mục tiêu của 2-3 năm tới là chúng tôi mong muốn đưa Thế giới Di động trở thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Còn trong 5 năm, bất cứ thứ gì có thể kinh doanh được chúng tôi cũng vẫn thử, miễn là nằm trong lĩnh vực bán lẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo