Tin tức - Sự kiện

Thế kỷ 21, loài người không hành xử kiểu “cướp biển” như Trung Quốc

Trước hàng loạt động thái hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Thiếu tướng, Phó Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng - đã phân tích cho thấy TQ đang bất chấp tất cả các luật lệ quốc tế.

PV: Tàu vỏ sắt của TQ đâm tàu cá Việt Nam, và mới đây là hàng loạt tàu TQ áp đảo đâm vỡ tàu kiểm ngư VN. Ông có ý kiến gì khi nhà nghiên cứu người Australia Carl Thayer gọi đó là hành vi cướp biển?

- Tôi cho rằng nhận xét đó hoàn toàn chính xác. TQ là nền văn minh lớn từ mấy trăm năm nay, nay bừng tỉnh lại mà không biết rằng thế kỷ 21 đã thay đổi, loài người không hành xử kiểu “cướp biển” như TQ đã làm trên Biển Đông. Không chỉ tháng 5 - 6 vừa rồi, trước đây ngư dân Việt Nam ra khơi trong vùng biển Hoàng Sa cũng bị TQ bắt bớ, đánh đập, tước ngư cụ, cướp hải sản, thả trôi trên biển... Tôi cho rằng đó là những hành vi vô nhân đạo.
 
Nếu quan sát từ Đại hội Đảng CSTQ 18 tới đây, TQ đẩy mạnh hành vi trắng trợn hơn nhiều. Họ muốn dùng vũ lực thay đổi hiện trạng, chuyển từ giấu mình chờ thời sang công khai bộc lộ. Họ dùng mỹ từ giấc mộng Trung Hoa, nhưng tôi cho rằng người TQ không hẳn đồng tình với giấc mộng kiểu như vậy.
 
Hành xử của TQ thể hiện chủ nghĩa nước lớn bá quyền. TQ rêu rao phát triển hòa bình, trỗi dậy hòa bình, nhưng với những hành động đó, thử hỏi làm sao các nước có thể tin cậy vào hành xử thiếu văn minh như thế. Điều đó làm cho những nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực đặc biệt quan ngại.
 
PV: TQ đưa giàn khoan thứ hai đến Biển Đông ngay khi Ủy viên Quốc vụ TQ Dương Khiết Trì ở HN, rồi tiếp 2 - 3 giàn khoan nữa. Vậy ý định của TQ là gì?
 
- Ông Dương sang đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Nhưng ông ta đến với bàn tay không. Bằng chứng là khi ông ở đây thì TQ đưa thêm giàn khoan Nam Hải 9, rồi tàu TQ tăng cường ở vùng hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, sau đó tàu TQ đâm tàu kiểm ngư. Tôi cho rằng không chỉ 981, TQ sẽ đóng 982, 983, 984 và nhiều hơn nữa. 
 
Theo tôi họ có 4 mục đích: 1/ Hiện thực hóa độc chiếm Biển Đông, biến thành ao nhà của TQ. 2/ Tăng cường khai thác tài nguyên Biển Đông phục vụ hiện đại hóa của TQ. 3/Hải quân TQ lâu nay bó hẹp trong biển TQ, nay họ có chiến lược “hải quân biển xanh” tiến ra khu vực khác ở Thái Bình Dương, thậm chí cả Ấn Độ Dương nữa, bằng chứng là TQ “giúp đỡ” một số nước Ấn Độ Dương xây căn cứ hải quân cho phép tàu bè TQ qua lại trú đậu sau này. 4/ Chỉ có vậy TQ mới thực hiện giấc mơ cường quốc khu vực, từ đó cạnh tranh với Mỹ thành cường quốc thế giới. Tôi cho đó là 4 âm mưu của họ khi đưa các giàn khoan ra Biển Đông, không chỉ đơn thuần là mục tiêu kinh tế.
 
PV: Còn việc TQ xây các đảo nhân tạo hoặc xây căn cứ trên đảo Gạc Ma mà họ chiếm đóng của Việt Nam nguy hiểm thế nào cho khu vực?
 
- Biển Đông có số lượng tàu bè qua lại nhộn nhịp nhất trên thế giới, có con số nói 2/3 hoặc 3/4 lượng hàng hóa thế giới đi qua. Nơi đây có lợi ích của hầu hết các nước lớn, Mỹ, Nhật, Nga, EU, Australia... Ai làm chủ Biển Đông sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến khu vực và thế giới. Nếu làm chủ với thái độ xây dựng thì rất tốt. Nhưng TQ xây đảo nhân tạo, xây căn cứ đã gây ra lo lắng. Vì cách hành xử đó dứt khoát đe dọa an ninh hàng hải, hàng không, hòa bình hợp tác ổn định khu vực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thịnh vượng khu vực và giao lưu thương mại thế giới.
 
PV: Quy định đơn phương của họ đòi tàu bè các nước đi cách các giàn khoan ít nhất 1km có vi phạm các điều ước quốc tế không, thưa Thiếu tướng?
 
- Điều đó hoàn toàn bất hợp pháp. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 quy định, trên vùng đặc quyền kinh tế của mình, nước ven bờ được xây dựng các công trình nhân tạo và được quy định giới hạn an toàn cho công trình đó nhưng không quá 500m. 
 
TQ đã sai ở chỗ: Họ không có chủ quyền ở vùng biển này, đã không có chủ quyền còn tự ý xây đảo nhân tạo, quy định giới hạn an toàn gấp đôi quy định trong Công ước Luật biển. Đấy là còn chưa kể TQ đánh chiếm đảo Gạc Ma của VN năm 1988 bằng vũ lực. Điều đó cũng sai với nguyên tắc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ mà luật pháp quốc tế quy định từ thế kỷ 19 trong Định ước Berlin năm 1885 và được nhắc lại trong Công ước Luật Biển 1982. 
 
TQ còn vi phạm cả Tuyên bố ứng xử Biển Đông đã ký với ASEAN, trong DOC quy định các bên phải giữ nguyên hiện trạng không được làm gì, kể cả xây dựng nâng cấp các đảo. Trong khi còn đang xây dựng Quy tắc Ứng xử Biển Đông COC TQ đã xóa bỏ COC rồi.
 
- Xin cảm ơn ông.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo