Arteta và Ten Hag đập tan kỷ nguyên quyền lực của cầu thủ
HLV Park Hang Seo khẳng định không ‘cướp ghế’ của Shin Tae Yong / Quang Hải trở lại Pau FC, không đón Tết cùng gia đình
Trước truyền thông cũng như trong các cuộc trò chuyện phía sau hậu trường với các nhân viên của Arsenal, Arteta luôn phủ nhận việc đày ải Pierre-Emerick Aubameyang có liên quan đến việc củng cố quyền lực của ông với tư cách là HLV trưởng của Pháo thủ.
Dù vậy, trong mắt các học trò và toàn bộ tập thể Arsenal, cách Arteta đối xử với Aubameyang 1 năm trước, bao gồm việc tước băng thủ quân, cấm cửa cầu thủ này khỏi các buổi tập và sau đó đuổi tiền đạo này sang Barcelona, là bằng chứng cho thấy ông không phải là một HLV dễ tính để có thể gây rối.
"Mọi người đều sợ hãi", đó là những gì tiền vệ Mohamed Elneny hồi tưởng lại hồi đầu mùa giải này. "Ai nấy đều sợ hãi với vị trí của họ vì điều này đã xảy ra với Aubameyang. Tất nhiên, nếu bất cứ ai không phải là đội trưởng của đội mắc một lỗi nhỏ, họ sẽ trải qua vấn đề tương tự. Và chẳng ai muốn điều đó xảy ra cả".
Cho dù đó có phải là ý định thực sự của Arteta hay không đi chăng nữa, thì thông điệp rõ ràng đã được truyền tải. Quy tắc là quy tắc, và việc Arteta phản ứng với chuyện Aubameyang liên tục đi tập muộn đã cho các cầu thủ Arsenal thấy tầm quan trọng của kỷ luật cần phải tuân thủ. Họ đã thấy một tấm gương mang tên Aubameyang - một cầu thủ đi lạc lối, và Elneny sẽ không phải là cầu thủ duy nhất giờ đây phải cảm thấy e dè trước kỷ luật thép của Arteta.
Sẽ là thiếu công bằng nếu miêu tả Arteta chỉ là một HLV chỉ "cai trị" bằng cách gieo rắc sự sợ hãi. Nhưng, Arteta chắc chắn là người có ý chí mạnh mẽ, và sự tàn nhẫn của vị chiến lược gia này với một số cá nhân chính xác là chìa khóa giúp ông kiểm soát hoàn toàn phòng thay đồ của Arsenal. Xin đừng quên, Aubameyang không phải cầu thủ đầu tiên bị trục xuất. Mesut Ozil và Matteo Guendouzi cũng phải chịu số phận tương tự.
Arteta đã mô tả những yêu cầu bên ngoài sân cỏ của ông là cần thiết, nếu Arsenal muốn nâng cao văn hóa của CLB lên một tầm cao mới. Và Erik ten Hag - bại tướng của Arteta cuối tuần qua - rõ ràng cũng cùng chung lý tưởng. Ten Hag đã nhanh chóng thiết lập quyền kiểm soát của mình với tư cách HLV trưởng của Man United, sử dụng nhiều phương pháp giống như Arteta áp dụng tại Arsenal. Mọi học trò của họ đều phải tuân thủ theo tiêu chuẩn kỷ luật từ những điều nhỏ nhặt cho đến khắt khe nhất.
Ten Hag không dung thứ cho sự vô kỷ luật
Điểm tương đồng rõ ràng giữa Arteta và Ten Hag là cách họ xử lý với những cái tôi cực lớn trong đội hình. Tại Arsenal, đó là Ozil và Aubameyang - cả hai cầu thủ đều rời Emirates sau khi bị CLB chấm dứt hợp đồng. Tại Man United, chắc chắn rồi, không ai khác ngoài Cristiano Ronaldo. CR7 là một siêu sao hàng đầu song cũng phải rời Old Trafford không kèn không trống vì vô kỷ luật hồi tháng 11 năm ngoái. Cả Arteta và Ten Hag đều đã phải đối mặt với những cầu thủ tầm cỡ, và với sự hỗ trợ của cấp trên, họ giành chiến thắng. Thắng lợi ngoài sân cỏ này đã củng cố đáng kể vị thế của hai chiến lược gia này. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà cả Arsenal và MU đều đang tiến bộ vượt bậc theo thời gian dưới sức mạnh tập thể.
Cũng đã có rất nhiều sự điều chỉnh nhỏ nhặt hơn nhấn mạnh tầm quan trọng của kỷ luật cũng như nâng cao quyền lực của Arteta và Ten Hag. Tại Old Trafford, Ten Hag đã nhanh chóng áp đặt những nguyên tắc cụ thể của riêng mình lên các cầu thủ của mình. Ví dụ, ông không cho phép các cầu thủ đi dép và cấm sử dụng điện thoại di động trong bữa ăn. Đây là những điều khá nhỏ, song đều góp phần tạo ra sự thay đổi lớn hơn trong bầu không khí, cả trong đội một và hơn thế nữa. "Kỷ luật mà huấn luyện viên đưa ra đã thay đổi tâm lý của toàn bộ CLB, không chỉ các cầu thủ", Bruno Fernandes cho biết.
Tuy nhiên, những quy định này chỉ có hiệu quả như mong muốn nếu HLV trưởng sẵn sàng thực thi các hình phạt thực sự nếu có ai vi phạm. Cả Arteta và Ten Hag vẫn tỏ ra mạnh mẽ về vấn đề này, khi hai ông sự sẵn sàng loại bỏ các cầu thủ khỏi đội hình nếu họ không tuân thủ các quy tắc. Aubameyang ngồi dự bị trong trận derby bắc London sau khi đến muộn, trong khi Marcus Rashford bị loại khỏi chuyến làm khách cách đây không lâu của MU trước Wolves do ngủ quên. "Thật tốt khi mọi người hiểu rằng bạn không thể đi quá giới hạn. Bạn phải tuân theo các quy tắc của đội, bạn phải tuân theo các quy tắc của người quản lý", Fernandes nói thêm.
Kết quả cuối cùng của cách tiếp cận này, khi được thực hiện với niềm tin sắt đá, là sự xói mòn quyền lực của cầu thủ. Ở Arsenal giờ đây có ít phe phái và tiếng nói bất đồng hơn, và những người trong cuộc mô tả ý thức trách nhiệm tập thể được nâng cao giữa các cầu thủ. Tại MU cũng vậy, các cầu thủ đang học được rằng họ không còn quyền kiểm soát. Điều này đơn giản không xảy ra dưới thời các huấn luyện viên trước đây, khi CLB được biết đến là đứng về phía một cầu thủ hơn là một huấn luyện viên, như trường hợp của Jose Mourinho và Paul Pogba. Giữa họ xích mích đến mức cuối cùng Mourinho gọi Pogba là "bố tướng".
Điều này không có nghĩa Arteta và Ten Hag tìm cách tạo khoảng cách giữa họ và các học trò. Trong những ngày giông bão đầu nhiệm kỳ của mình, Arteta đã định vị bản thân như một tấm lá chắn sống cho toàn đội một cách hiệu quả. Ông sẵn sàng tuyên bố trước truyền thông: "Ngực của tôi ở đây, các bạn cứ bắn thoải mái đi". Trong khi đó, Ten Hag đã nhận được sự tôn trọng to lớn từ các cầu thủ, khi ông đồng cam cộng khổ với họ thực hiện hình phạt chạy 13,8 km sau thất bại của MU trước Brentford hồi tháng 8 năm ngoái (13,8 km là quãng đường mà Brentford chạy nhiều hơn MU ở trận đấu ấy).
Tất cả những hành động này, kết hợp với sự nhạy bén rõ ràng về chiến thuật, đã giúp Arteta và Ten Hag khẳng định mình là những nhân vật thực sự có quyền lực và kiểm soát ở Arsenal và Man United. Giờ đây, các cổ động viên yêu mến của hai đội bóng đang chờ đợi những bước chuyển mình nhảy vọt sau quãng thời gian dài u tối.
End of content
Không có tin nào tiếp theo