Thể thao

Man City tính làm gì khi phá bỏ thói quen mua sắm?

Không chỉ 1 mà Man City đang định phá liên tiếp 2 kỷ lục chuyển nhượng của Premier League chỉ trong một mùa hè. Đây là điều họ chưa bao giờ làm và liệu có phải con đường dẫn đến thành công.

MU đón hung tin trước thềm mùa giải mới / ĐT Việt Nam đứng trước cơ hội tập trung đầy đủ vào ngày 5/8

Man City là đội chi tiêu nhiều nhất vào TTCN ở nước Anh tính từ 2013 tới giờ. Thế nhưng họ mới chỉ 1 lần phá kỷ lục chuyển nhượng khi mua Kevin de Bruyne ở mùa hè 2015. Điều đó cho thấy chất lượng cầu thủ trung bình của City rất đều và cũng rất cao.

Khi mà trần giá trị cầu thủ thế giới đã bị đẩy lên ngưỡng 187 triệu bảng (220 triệu euro), thì Man City vẫn giữ thói quen mua sắm trong phân khúc 50-60 triệu bảng. Trên thực tế, có thể coi đấy là thói quen của Pep Guardiola thì đúng hơn khi mà 8/10 thương vụ đắt nhất của City đều được thực hiện dưới triều đại của chiến lược gia người Tây Ban Nha.

Với chính sách mua sắm như vậy, bản thân Pep đã muốn truyền tư duy không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào lên toàn bộ Man City. Sergio Aguero là chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử đội bóng nhưng Pep thậm chí đẩy anh lên ghế dự bị và sử dụng một đội hình không có tiền đạo thực thụ.

8/10 thương vụ đắt nhất của Man City đều được thực hiện dưới triều đại Pep

8/10 thương vụ đắt nhất của Man City đều được thực hiện dưới triều đại Pep

Nhìn chung, Pep không muốn phải thay đổi một bộ khung chiến thắng nhưng ông có năng lực để làm vậy nếu buộc phải làm. Hiểu một cách khác: Bất cứ ai trong đội hình City đều có thể thay thế. Cứ nhìn cách Pep xoay đội hình chóng mặt ngay cả trong trận chung kết Champions League thì đủ hiểu tính linh động của người đàn ông này lớn như thế nào.

De Bruyne đúng là quan trọng nhất nhưng City từng nhiều lần phải làm quen với việc thi đấu mà không có anh. Họ có gặp khó khăn nhưng không phải là không thể vượt qua. Sự tiến hóa không ngừng ở tư duy lựa chọn cầu thủ và vị trí cầu thủ khiến Pep luôn giữ được vị thế HLV hàng đầu. Người hâm mộ càng thấy rõ điều đó thông qua sự so sánh với Jose Mourinho - người từng có thời là đối thủ lớn nhất của Pep.

Trong suy nghĩ của mình, Pep luôn chừa không gian cho sự phát triển. Nghĩa là khi mua một cầu thủ, Pep không chỉ mua năng lực của anh ta lúc đó, mà còn mua cả tiềm năng biến đổi trong tương lai. Cải tạo cầu thủ chính là những gì mà Pep làm tốt nhất, bên cạnh tài thao lược trên sa bàn.

Thành phẩm nổi bật nhất của Guardiola chính là Raheem Sterling. Ông biến một cầu thủ chạy cánh đơn thuần thành một chân sút hiệu quả. Sterling chẳng thể sắc bén như một sát thủ chuyên nghiệp nhưng vẫn đều đều cung cấp trung bình 20 bàn/mùa trong 4 mùa vừa qua. Và đó có thể là lý do vì sao Man City thường ít phá kỷ lục chuyển nhượng hơn so với những đối thủ cạnh tranh trực tiếp khác.

Trong đội hình của Man City lúc này, chẳng có thủ môn (Kepa) và tiền vệ công (Kai Havertz) đắt giá nhất như Chelsea, chẳng có trung vệ (Harry Maguire), tiền vệ trung tâm (Paul Pogba), cầu thủ chạy cánh (Jadon Sancho) và tiền đạo (Romelu Lukaku - giờ đã chuyển sang Inter) đắt giá nhất như MU.

 

Khi được hỏi về hàng công mùa tới khi không còn Aguero, Pep từng phủ nhận việc mua thêm tiền đạo. Ông nói mình vẫn còn Gabriel Jesus và cũng đang quy hoạch Ferran Torres trở thành một "số 9".

Man City từng tính Jesus và Torres là 2 tiền đạo cho mùa 2021/22

Man City từng tính Jesus và Torres là 2 tiền đạo cho mùa 2021/22

Nhưng cái gì cũng chỉ có tính thời điểm. Pep từng rất tự tin vào cán cân sức mạnh ở Premier League, nhưng đấy là trước khi Harry Kane tuyên bố muốn rời Tottenham. Ngoài ra, chưa kể là Jack Grealish cũng không còn muốn gắn bó tương lai với Aston Villa.

Để 2 ngôi sao như vậy "trôi nổi" trên TTCN là điều cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng vô địch của City nếu họ gia nhập một đội bóng khác. Chính vì thế, kể cả khi... không thực sự cần thiết, City cũng phải nhảy vào cuộc đua tranh giành 2 báu vật của nước Anh.

 

Và muốn thực hiện điều đó, City phải chi tiền, rất nhiều tiền, đến mức phá luôn kỷ lục chuyển nhượng ở xứ sương mù, có thể không chỉ 1 mà đến 2 lần trong mùa hè này. Cả Grealish và Kane đều được định giá không dưới 100 triệu bảng - tức là cao hơn Pogba - hợp đồng đắt giá nhất lúc này.

Đây chẳng phải là nước đi trái với thói quen mua sắm của Pep sao? Đương nhiên, không nhiều HLV "chê" cơ hội có được Kane và Grealish. Nhưng Pep thì chắc chẳng nhảy cẫng lên sung sướng đâu bởi ông sẽ phải vắt óc ra suy nghĩ một hệ thống mới để phù hợp với 2 nhân sự này.

Có Kane thì đương nhiên phải chuyền bóng cho Kane. Có Grealish thì đương nhiên cũng phải cho anh một suất đá chính, tức là tước đi quyền ra sân của Sterling, Foden, Bernardo Silva... Nhìn chung, mọi thứ phải tính toán lại hết và nó quá gấp gáp khi mùa giải đang đến rất gần.

Riêng với Harry Kane, khả năng thành công vẫn là một dấu hỏi nhưng bài học Zlatan Ibrahimovic vẫn còn đó. Phụ thuộc vào một cá nhân ngoài Lionel Messi đều mang đến những điều xui xẻo với Pep.

Thế nên, kịch bản tuyệt vời nhất với City lúc này là họ cứ giữ vị thế kẻ theo đuổi Kane và Grealish số 1. Nhưng đến thời khắc quyết định nhất, họ lại... không mua. Tức là cứ thế giữ nguyên bản đồ phân bổ ngôi sao ở nước Anh. Họ không thể quy tụ được thì cũng không đội nào được phép.

 

Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm