Man United không còn là CLB bóng đá đúng nghĩa
ĐT Nhật Bản dứt điểm gấp 24 lần nhưng không thắng nổi ĐT Việt Nam / Danh sách 27 đội tuyển đã giành vé dự World Cup 2022
Chuyện thương mại hóa CLB bóng đá M.U thì quá rõ rồi. Vào năm 2005, giới hâm mộ M.U đã biểu tình ầm ĩ, phản đối rất dữ dội việc bán M.U cho gia đình Glazer, vốn là những người Mỹ đã tỏ rõ thái độ, quan điểm ngay từ đầu: họ mua M.U là để kinh doanh. Thậm chí, gia đình Glazer phải vay ngân hàng để có tiền mua M.U và kinh doanh. Phản đối không xong, một bộ phận không nhỏ trong giới hâm mộ M.U tuyên bố đoạn tuyệt với CLB, tự thành lập một “M.U” riêng (tên chính thức là Football Club United of Manchester, thường chơi ở đẳng cấp thứ 7 hoặc 8 trong làng bóng Anh).
Có nghĩa: ngay tại thành phố Manchester, M.U đã mất đi một số lượng đáng kể các cổ động viên “nguyên gốc”. Nhưng chẳng hề gì, vì dân số nước Anh khoảng 60 triệu còn không ăn thua, huống hồ là chỉ ở Manchester. Bảy năm sau khi thuộc về gia đình Glazer, M.U được công bố là CLB có fanbase lớn nhất thế giới. Rồi bảy năm sau nữa, người ta tiếp tục công bố vị trí số 1 cho M.U, với số liệu mới đây nhất là 1,1 tỷ người hâm mộ.
Gần chục năm đã trôi qua kể từ lần cuối cùng M.U vô địch Premier League (2013). Đại khái, đà sa sút “không phanh” về thành tích chuyên môn của M.U trong suốt một khoảng thời gian khá dài là điều ai xem bóng đá cũng biết. Nhưng, cũng trong khoảng thời gian vừa nêu, số lượng cổ động viên M.U (theo nghiên cứu của các tổ chức trung lập) lại tăng lên, với tốc độ chóng mặt. Đội bóng của nhà Glazer, dù không còn khả năng tranh ngôi vô địch Anh, vẫn lôi kéo thêm khoảng 400 triệu fans trên khắp thế giới – nhiều gấp 7 lần dân số nước Anh!
Từ ngày thuộc về gia đình Glazer, M.U trở thành một CLB nặng tính thương mại rất nhiều hơn là bóng đá
Tính chuyên môn giảm hẳn và tính thương mại tăng cao của M.U, đại khái là như thế. Ai cũng biết: một CLB thành công về mặt chuyên môn thì sẽ kiếm tiền dễ hơn, có khả năng kinh doanh tốt hơn… Nhưng tóm lại, chẳng có quy luật nào trong cái kiến thức chung chung ấy. Mua một cầu thủ có trình độ chuyên môn tốt, phù hợp lối chơi, nhưng ít người biết đến; hoặc mua một ngôi sao không phù hợp lối chơi nhưng nổi tiếng, được nhiều người mua áo – đấy là những chuyện hoàn toàn khác nhau.
Với một CLB định hướng phát triển theo con đường kinh doanh, thì mục tiêu lọt vào nhóm có vé dự Champions League là tối thượng, vì chỉ cần lọt vào Champions League là sẽ được chia rất nhiều tiền. Tất nhiên, việc phải làm khi hướng đến mục tiêu ấy lại khác hẳn những việc phải làm khi đặt mục tiêu tranh chấp các danh hiệu cụ thể.
Vì sao Erik ten Hag – một HLV giỏi “theo con đường bóng đá” – lại không phù hợp với M.U? HLV Louis Van Gaal không (hoặc không có nhu cầu) nói rõ, nhưng cũng dễ hiểu. Bản thân Van Gaal, cựu HLV M.U, là người trong cuộc. Hơn ai hết, ông hiểu rõ những hạn chế khiến một HLV thực thụ không thể phát huy triệt để năng lực chuyên môn trong cái môi trường rặt kinh doanh của M.U. Thật ra, đây là một vấn đề lớn, phải nói đến vô cùng. Bóng đá đỉnh cao nói chung cũng đã nhuốm màu kinh doanh và các đặc điểm chuyên môn đã phai mờ suốt hàng chục năm nay rồi. Chẳng qua, mỗi CLB là một trường hợp riêng rẽ, có hơi khác nhau trong bức tranh chung như thế mà thôi. Trong bối cảnh chung là các CLB bóng đá đẩy mạnh kinh doanh, thì M.U của gia đình Glazer là một công cụ kinh doanh bóng đá.
M.U… không rành bóng đá!
Hầu như không có bất kỳ nhân vật nào trong dàn lãnh đạo M.U hiện thời có chuyên môn bóng đá. Nực cười thay, ngay cả HLV trưởng hiện thời cũng không phải là nhân vật bóng đá đúng nghĩa. Cần nhớ: cương vị cuối cùng của Ralf Rangnick trước khi đến M.U làm HLV trưởng chỉ là “giám đốc phát triển” của CLB Nga Lokomotiv Moscow, và ông rất ít khi huấn luyện bóng đá đỉnh cao trong khoảng chục năm gần đây!
1. Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy M.U là CLB nổi tiếng nhất thế giới, với 1,1 tỷ CĐV. Số lượng CĐV M.U đã tăng 400 triệu so với cuộc nghiên cứu tương tự gần nhất trước đó (700 triệu, vốn đã là số 1 thế giới vào năm 2012).
End of content
Không có tin nào tiếp theo