Phiên chợ hè 2021: Mua ít, mua rẻ và không học theo Man United
Các CLB V.League vẫn chưa giảm lương / Đội hình hoàn hảo của MU khi có Raphael Varane và Leon Goretzka
Dù chỉ còn 1 tháng nữa là TTCN mùa hè đóng cửa nhưng có thể nhận ra tiến độ mua sắm vẫn rất chậm, đặc biệt là với các thương vụ có phí. Bảng dưới đây chỉ ra số thương vụ có phí mà 5 giải đấu hàng đầu châu Âu đã thực hiện trong giai đoạn 2017-2021.
Vì khủng hoảng kinh tế do tác động của đại dịch toàn cầu, xu hướng giảm đã bắt đầu từ mùa hè 2020 và tiếp tục theo cường độ lớn hơn ở mùa hè năm nay. Ligue 1 là giải đấu giảm mạnh nhất với 52 vụ chuyển nhượng ít hơn mùa trước, tiếp sau đó là Serie A (51 vụ), Premier League (48), La Liga (30) và Bundesliga (4).
Phí chuyển nhượng đang giảm dần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Lẽ ra, trong một mùa hè có nhiều giải đấu như EURO 2020, Copa America 2021 và môn bóng đá nam Olympic Tokyo 2020, TTCN phải đặc biệt sôi động trước guồng quay liên tục của trái bóng tròn. Tuy nhiên, mọi thứ đều đặc biệt thận trọng, hệt như cách người ta đi ra đường trong mùa dịch.
Và vì số vụ chuyển nhượng giảm nên số tiền bỏ vào phiên chợ hè cũng giảm theo. Có thể thấy rõ nhất điều này ở Premier League. Thông thường, giải đấu hấp dẫn nhất thế giới sẽ chi ra hơn 1,2 tỷ bảng để mua sắm ở giai đoạn giữa 2 mùa giải - điều đã xảy ra ở 4 mùa hè trước. Nhưng cho đến này, cả 20 CLB nước Anh mới bỏ ra tổng cộng 437 triệu bảng. So với mùa hè 2020 là đã giảm tới 66%,
Serie A, Ligue 1 và Bundesliga cũng cắm đầu không phanh. Sự sụt giảm đáng kể nhất của La Liga thì đã diễn ra trong mùa hè 2020 (từ 1,2 tỷ xuống còn 342 triệu euro) nên việc giảm xuống còn 104 triệu bảng mùa hè này chỉ là hệ quả trong tính toán.
Sự kết hợp của 2 yếu tố số lượng và số tiền tạo ra thêm một thông số thú vị khác: Mức chi trung bình cho 1 tân binh. Thông số này phần nào còn thể hiện rõ hơn chất lượng của nhóm cầu thủ mới mua về, thay vì chỉ tập trung vào những "bom tấn". Và theo thông số này, Premier League ở một đẳng cấp hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại của châu Âu.
Dù đã giảm xuống chỉ còn 9,4 triệu bảng cho 1 tân binh trong hè 2021, giải đấu cao nhất nước Anh vẫn hơn đứt 4 giải đấu còn lại. Mức chi trung bình cho 1 tân binh ở các giải còn lại không giao động quá nhiều. Cá biệt, Ligue 1 và Bundesliga đều chi nhiều hơn cho 1 tân binh so với mùa hè 2020.
Thay vì tham số lượng, Ligue 1 đã chú ý vào chất lượng hơn khi phân khúc mà họ nhắm vào là 5-15 triệu bảng. Ví dụ như Kamaldeen Sulemana, từ Nordsjaelland đến Rennes với giá 13,5 triệu bảng. Hay như Calvin Stengs, từ Alkmaar tới Nice cũng với số tiền tương tự.
Tại La Liga, 2 đại gia như Real Madrid và Barcelona đang vã mồ hôi tìm cách giảm chi tiêu nên chẳng còn tâm trí mà tạo sóng gió trên thương trường. Chính vì thế, tân binh Rodrigo De Paul của Atletico là thương vụ đắt giá nhất La Liga mùa hè này, dù chỉ với giá 31,5 triệu bảng. Để biết số tiền này khiêm tốn như thế nào, hãy nhớ đây chỉ là thương vụ đắt giá thứ... 99 tại châu Âu trong 5 mùa vừa qua.
Sự sụt giảm về "chất lượng" cũng hiện rõ ở Premier League. Tân binh Jadon Sancho của MU là vụ chuyển nhượng trên 40 triệu bảng duy nhất tính đến lúc này.
Số tiền bỏ ra đã ít đi, và cách dùng tiền của 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu cũng khác trước. Đầu tư cho tương lai, cụ thể là vào các cầu thủ trẻ đang là xu hướng trong mùa hè 2021. Các CLB muốn mua một cầu thủ tiềm năng hơn là thành danh để giảm chi phí đầu vào, đồng thời có thể tối ưu hóa lợi nhuận nếu bán họ đi trong tương lai.
Những thương vụ đắt giá nhất tính đến thời điểm này là Sancho (73 triệu bảng), Achraf Hakimi (54), Dayot Upamecano (38), Ibrahima Konate (36) và Emiliano Buendia (35). Điểm chung của 4 cầu thủ đầu trong danh sách này là gì? Họ đều thi đấu từ khi rất trẻ ở Bundesliga, sau đó chuyển tới các CLB lớn hơn với số tiền chuyển nhượng khổng lồ.
Trong số này, Buendia già nhất thì cũng mới chỉ 24 tuổi. Tiếp đó lần lượt là Konate, Upamecano, Hakimi (cùng 22) và Sancho thì mới 21 tuổi.
Ngoài xu hướng mua ít đi, giá rẻ hơn và mục tiêu chuyển nhượng cũng trẻ hơn, vẫn còn một vài trend khác trong phiên chợ hè năm nay.
Hãy nhìn vào tỷ lệ giữa các hình thức chuyển nhượng: Có phí, mượn, đôn lên từ học viện và chuyển nhượng tự do, có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi đáng kể.
Tỷ lệ chuyển nhượng tự do đã tăng đột biến ở cả 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu trong hè 2021. Con số này ở Bundesliga, La Liga và Premier League thậm chí tăng gấp đôi so với mùa hè trước. Union Berlin là trường hợp cá biệt ở Đức khi đón cùng lúc 7 cầu thủ miễn phí. Hay như ở La Liga, cỡ đại gia như Barca, mua ngôi sao cỡ Memphis Depay, Eric Garica và Sergio Aguero thì cũng phải lựa lúc họ hết hợp đồng với đội cũ thì mới dám mang về. PSG cũng vậy khi đón Wijanldum, Donnarumma và Ramos không tốn một xu nào.
Tỷ lệ tự đào tạo rồi đôn lên đội một cũng tăng trưởng mạnh ở Bundesliga, Ligue 1 và Serie A.
End of content
Không có tin nào tiếp theo