Thể thao

Phục hưng Man United, việc không phải của riêng Ten Hag

“Make United great again” - “Hãy làm cho United vĩ đại trở lại” - là khẩu hiệu mà các CĐV của Quỷ đỏ thường gắn kèm trong những câu chuyện về tân HLV Erik ten Hag. Đó vừa là một lời yêu cầu, vừa là một lời khẩn cầu. Nhưng đó rõ ràng là một yêu cầu quá sức với Ten Hag. Một mình vị HLV người Hà Lan không thể vực dậy được Man United.

Ten Hag dần thấm những khó khăn trong kế hoạch chuyển nhượng ở MU / Chuyển nhượng 17/6: Di Maria ở rất gần Juventus

Ngổn ngang từ trên xuống dưới

Man United từng là kẻ thống trị ở Premier League. Là hình mẫu để những đội bóng khác, không chỉ ở Anh, hướng tới. Không phải vô cớ mà người ta gọi họ là đội bóng “vô đối”, dù với nhiều CĐV chân chính thì cách gọi này giống một sự mỉa mai hơn là tôn vinh. Về mặt thể thao, Man United từng vô địch tới 13 trong 21 mùa “đầu tiên” của Premier League, bên cạnh nhiều danh hiệu lớn nhỏ khác. Về mặt tài chính, họ từng có giai đoạn dài là đội bóng giá trị nhất thế giới. Lò đào tạo trẻ, mô hình quản trị thông suốt… của Man United cũng được xem là những chuẩn mực.

Nhưng đế chế khổng lồ ấy đã và đang lụn bại, từng bước một. Lần gần nhất họ giành được một danh hiệu cách đây đã 5 năm, và đó cũng chỉ là chiếc cúp châu Âu hạng hai có tên Europa League. Lần gần nhất họ vô địch Premier League cách đây cũng đã gần 10 năm. Về giá trị thương hiệu, M.U cũng đang tụt lại, nhất là sau sự vươn lên với tốc độ khủng khiếp của Real Madrid. Lò đào tạo trẻ của M.U từ lâu cũng không còn giới thiệu được ngôi sao lớn nào. Trên tất cả, M.U đang mất định hướng nghiêm trọng, thể hiện qua số lượng HLV mà họ đã tuyển mộ và sa thải, cũng như sự khác biệt tới mức đối lập trong triết lý (nếu có) của các HLV này, trong gần 10 năm sau khi Sir Alex nghỉ hưu.

Bức tranh của M.U lúc này là một hình thù loang lổ. Về quản trị, như đã nói ở trên, cả CLB đang rơi vào tình trạng mất phương hướng. Họ muốn cải tổ lại bộ máy theo hướng hiện đại để bắt kịp xu thế, nhưng vấp phải quá nhiều rào cản và chưa biết bắt đầu từ đâu. Khi Ralf Rangnick được đưa về, nhiều fan ngây thơ tin rằng đội bóng đã thực sự muốn thay đổi, bởi Rangnick nổi tiếng là người có khả năng xây dựng, hoạch định tầm nhìn cho các CLB. Nhưng đùng một cái, Rangnick nhận lời dẫn dắt đội tuyển Áo, ngay cả nhiệm vụ cố vấn bán thời gian cũng rút lui nốt.

Về chuyên môn, “di sản” mà tân HLV Erik ten Hag tiếp nhận là một nhóm những cầu thủ được đưa về theo nguyện vọng của nhiều HLV khác nhau, mỗi người theo đuổi một triết lý riêng và có những bộ tiêu chí riêng khi chọn cầu thủ. Tệ hại hơn, nhiều cầu thủ trong đội không xứng đáng với những đãi ngộ mà họ được hưởng, với sự kỳ vọng của đội bóng và các CĐV. Họ chính là những minh chứng tiêu biểu cho tình trạng các tiêu chuẩn ở Old Trafford đã bị hạ thấp một cách đáng sợ. Các huyền thoại của đội bóng thời Sir Alex nếu có trở lại thăm đội thì chắc là không thể tin nổi vào những gì mà mình đang chứng kiến.

HLV Erik ten Hag đang đối diện áp lực từ các CĐV khi họ muốn ông sớm giúp M.U tìm lại vị thế

HLV Erik ten Hag đang đối diện áp lực từ các CĐV khi họ muốn ông sớm giúp M.U tìm lại vị thế

Trung tâm phải là Ten Hag

Tất cả đều nhìn thấy sự khác biệt lớn nhất giữa Man United lúc này với Liverpool và Man City, hai kình địch từng bị họ bỏ xa nhưng nay đã bỏ xa họ. Man United thiếu một triết lý cụ thể để làm trung tâm cho mọi chuyển động trong CLB. Điều này thể hiện rõ nhất ở công tác nhân sự. Man City biết họ cần phải xây dựng đội bóng với những cầu thủ kiểu gì từ trước khi Pep Guardiola tới, và Guardiola, đến lượt mình, biết rõ ông cần những sự bổ sung kiểu gì cho từng vị trí. Ở Liverpool, bộ máy tuyển trạch luôn có sẵn một bộ lọc, để chỉ giới thiệu những cầu thủ phù hợp với hệ thống của Juergen Klopp. Họ không mua cầu thủ đắt nhất, nổi tiếng nhất, hay thậm chí là giỏi nhất. Họ mua cầu thủ phù hợp nhất.

Cuộc phục hưng ở Man United, do vậy, cũng phải xoay quanh Ten Hag. HLV người Hà Lan, về phần mình, cũng phải xác định rõ ông muốn theo đuổi những giá trị nào. Lấy những giá trị ấy làm tiêu chí, Man United sẽ biết đội bóng cần phải giữ lại những ai, thải loại những ai, và đưa về thêm những gương mặt nào. Bắt đầu từ vị trí HLV trưởng, ngọn lửa của sự đổi thay sẽ lan tới bộ phận tuyển trạch, bộ phận đào tạo trẻ, bộ phận tài chính, marketing…, và cuối cùng là những vị trí cao nhất.

Từ trên xuống dưới, mọi thành viên ở M.U phải cùng nhìn về một hướng. Đó là điều không thể khác. Thử tưởng tượng sẽ thế nào nếu người phụ trách chuyển nhượng ở Man City không chung quan điểm với Guardiola, hay chủ sở hữu của Liverpool cho rằng việc mua thêm tiền đạo như yêu cầu của Klopp là không cần thiết?

Câu hỏi là: ai ở M.U sẽ tin Ten Hag như người Man City và Liverpool tin Guardiola và Klopp?

Bộ máy lãnh đạo mới

 

Từ mùa Hè này, M.U sẽ vận hành theo một mô hình mới. Đúng hơn là với một cơ cấu lãnh đạo mới. Ở cao nhất vẫn là chủ sở hữu Joel Glazer, nhưng dưới Joel không còn là Ed Woodward nữa, mà là Richard Arnold trong vai trò Giám đốc điều hành. Ở cấp thấp hơn sẽ là HLV Erik ten Hag và giám đốc bóng đá John Murtough. Vị trí giám đốc phụ trách thương lượng của Matt Judge cũng bị xóa tên.

45. Từ sau khi Sir Alex nghỉ hưu vào cuối mùa 2012/13, M.U đã đưa về tổng cộng 45 cầu thủ. Tổng số tiền mà họ phải chi để mua cầu thủ lên tới hơn 1,2 tỷ bảng. Tính cả tiền lương thì con số lên tới hơn 5 tỷ bảng.

Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm