Top 10 ký ức đáng nhớ nhất trong lịch sử EURO
Mourinho: 'Mức độ kỳ vọng của MU suy giảm từ khi tôi rời đi' / Vì sao việc đứng đầu bảng D có thể là thảm họa với ĐT Anh?
Cristiano Ronaldo.
Vận đen đã đeo đuổi Cristiano Ronaldo từ EURO 2004, khi anh không thể cùng Bồ Đào Nha vô địch giải đấu diễn ra trên sân nhà. 12 năm sau, tưởng như kịch bản tồi tệ này đã lặp lại khi CR7 dính chấn thương và sớm rời sân trong nước mắt ở trận chung kết EURO 2016 với Pháp. Nhưng Bồ Đào Nha đã chiến đấu đầy quả cảm và lên ngôi nhờ bàn thắng trong hiệp phụ của Eder. Sau trận, Ronaldo lại bật khóc nhưng lần này là vì hạnh phúc.
Màn đăng quang của Tây Ban Nha ở EURO 2012 là chiến thắng lịch sử về mọi mặt. Đó là lần đầu tiên, một đội bóng vô địch hai kỳ EURO liên tiếp và đăng quang ở ba giải đấu lớn liên tiếp. Màn vùi dập đối thủ kỵ giơ Italia tới 4-0 ở chung kết cũng là câu trả lời cho những chỉ trích nhắm vào lối chơi nhàm chán của La Roja. Đặc biệt, Tây Ban Nha đã vô địch giải đấu này mà không cần đến một trung phong cắm.
Trước khi gặp nhau ở bán kết EURO 2012, Đức đã toàn thắng 4 trận, còn Italia mới thắng được 1 trận. Nhưng ở cặp đấu kinh điển này, điều gì cũng có thể xảy ra. Dù bị đánh giá thấp hơn, Azzurri bất ngờ mở tỷ số nhờ cú đánh đầu của Mario Balotelli. Chính Super Mario sau đó đã thoát khỏi Phillip Lahm, rồi “nã đại bác” hạ gục Manuel Neuer để ấn định chiến thắng 2-0 cho Azzurri, trước khi cởi áo và gồng mình ăn mừng như một vị thần.
Hy Lạp chỉ được coi là kẻ ngoài lề tại EURO 2004, với tỷ lệ vô địch 80/1 (đặt 1 ăn 80). Nhưng thầy trò HLV Otto Rehhagel lại tạo ra hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Họ thắng chủ nhà Bồ Đào Nha ở vòng bảng, trước khi vượt qua Pháp ở tứ kết, CH Czech tại bán kết và chính Bồ Đào nha trong trận chung kết. Cả ba trận này đều có chung kịch bản: Hy Lạp tử thủ, trước khi ghi bàn duy nhất nhờ một cú đánh đầu.
Pháp đến EURO 2000 với tư cách nhà vô địch World Cup và so với năm 1998, đội hình của họ còn mạnh hơn nhiều. Tuy nhiên, Les Bleus vẫn cần đến điều kỳ diệu mới vượt qua Italia ở chung kết. Bị đối thủ dẫn trước, họ phải chờ đến phút 90+3 mới gỡ hòa 1-1 nhờ công của Sylvain Wiltord. Và bước vào hiệp phụ, David Trezeguet đã trừng phạt Azzurri với cú vô-lê nửa nảy tuyệt đẹp đưa bóng vào góc cao, giúp Pháp vô địch nhờ luật bàn thắng vàng.
Người Anh đã có sự chuẩn bị khá tệ cho kỳ EURO 1996 trên sân nhà. Chuyến đi tới Hong Kong bị các cầu thủ biến thành chuyến du lịch ăn nhậu, với trò uống bia kiểu “ghế nha sĩ”. Nhưng vào giải, Tam sư lại bất ngờ chơi bùng nổ, mà hình ảnh tiêu biểu là bàn thắng ngẫu hứng của Paul Gascoigne vào lưới Scotland ở vòng bảng. Gazza đã tâng bóng qua đầu Colin Hendry rồi tung cú vô-lê cháy lưới Andy Goram, trước khi ăn mừng kiểu... “ghế nha sĩ”.
Dù chỉ đứng thứ 2 ở vòng loại, Đan Mạch bất ngờ được dự EURO 1992 sau khi Nam Tư bị gạch tên. Vì thế, họ chỉ có 9 ngày chuẩn bị trước khi vào giải. Đã vậy, Đan Mạch còn không có ngôi sao Michael Laudrup vì mâu thuẫn với HLV Richard Moller-Nielsen. Thế nhưng Những chú lính chì dũng cảm đã vượt mặt Anh và Pháp ở vòng bảng, vượt qua Hà Lan tại bán kết trước khi hoàn tất chuyện cổ tích với thắng lợi 2-0 trước Đức ở chung kết.
Với người Hà Lan, cú vô-lê của Marco van Basten trong trận chung kết EURO 1988 là một bàn thắng lịch sử. Vì nó đã giúp Oranje kết liễu đối thủ Liên Xô và đem về chức vô địch đầu tiên và duy nhất của họ ở một giải đấu lớn. Phút 54, khi Hà Lan đang dẫn 1-0 nhờ công Ruud Gullit, Arnold Muhren tạt bóng và ở góc cực hẹp, Van Basten tạo ra một siêu phẩm với cú vô-lê hạ gục Rinat Dasayev ấn định chiến thắng 2-0 cho Hà Lan.
Những Marseille từng nói rằng trong cái đêm 23/06/1984, người ta có thể nghe thấy tiếng la hét ăn mừng bàn thắng của Michel Platini từ cách sân Velodrome cả trăm km. Đó là trận bán kết EURO 1984 giữa Pháp và Bồ Đào Nha. Cuối hiệp phụ thứ hai, tỷ số là 2-2 và đúng phút 119, Platini ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2 cho Les Bleus. Platini sau đó ghi thêm 1 bàn ở chung kết, và biến EURO 1984 thành giải đấu của riêng mình với 9 pha lập công.
Khi gặp Tiệp Khắc ở chung kết EURO 1976, Tây Đức đang là ĐKVĐ thế giới và châu Âu. Tỷ số cuối cùng là 2-2 và hai đội phải phân định trên chấm 11m. 7 cú đá luân lưu đầu đều thành công, rồi Uli Hoeness bỗng sút hỏng. Antonin Panenka đá quả quyết định và khiến thủ thành Sepp Maier ngỡ ngàng với cú bấm bóng vào giữa khung thành. Cú đá sáng tạo ấy đã không chỉ giúp Tiệp Khắc đăng quang, mà còn trở thành cảm hứng cho nhiều cầu thủ sau này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo