Thể thao

U23 Việt Nam và những vấn đề tại U23 Châu Á 2020

U23 Việt Nam đã dừng bước tại vòng bảng, kết quả khó có thể làm hài lòng khán giả, nhưng bóng đá cũng không thoát khỏi vòng lặp của thế giới tự nhiên, có thăng có trầm, quan trọng là cách đối diện với những khó khăn vấp ngã.

HLV U23 Saudi Arabia: Nếu không có VAR, Thái Lan vẫn sẽ nhận thất bại / Trọng tài gây tranh cãi ở trận U23 Thái Lan khoá trang cá nhân

Vậy đâu là những lí do dẫn tới thành tích chưa tốt của U23 Việt Nam năm nay, dù thầy trò HLV Park Hang-seo là đương kim Á quân?

Lối chơi không còn hiệu quả?

Hình ảnh quen thuộc của U23 Việt Nam tại hai VCK U23 Châu Á gần đây, đó là một đội bóng lầm lì, chủ động phòng ngự và chờ cơ hội để phản công nhờ khả năng chuyển trạng thái. Lối chơi đó mang về cho U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam những thành công rực rỡ, và có thể coi lối đá phòng ngự chủ động là bản lề cho thành công của HLV Park trong triều đại của mình. Lối đá này đặc biệt hiệu quả khi U23 Việt Nam đối đầu với các đội bóng chơi tấn công chủ động, dựa nhiều vào tốc độ và khả năng xử lý cá nhân của các cầu thủ tấn công. Những chiến thắng tại U23 Châu Á 2018, tại ASIAD 2018 và AFF Suzuki Cup cùng năm chính là ví dụ tiêu biểu cho lối chơi mà vị chiến lược gia người Hàn xây dựng. Nhưng không có lối đá nào là hoàn hảo, khi mọi sơ đồ và chiến thuật đều có những điểm yếu riêng. Lối đá này của U23 Việt Nam sẽ tỏ ra bất lợi khi đối thủ là những đội bóng có trình độ cao, mạnh ở khả năng tổ chức và kiểm soát khu trung tuyến. Hoặc những đội bóng yếu hơn (hay ngang cơ) nếu đá lùi sâu, tử thủ sẽ khiến U23 Việt Nam gặp bế tắc, hãy nhìn hai trận hòa của ĐTVN trước ĐT Thái Lan năm 2019 và trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Jordan để thấy rõ điều này. Hai năm trước, khi đội bóng của HLV Park chưa được đánh giá cao, các cầu thủ có lợi thế là yếu tố bất ngờ nên có thể tạo nên những thắng lợi bất ngờ. Giờ đây, khi cuộc chơi đã trở nên song phẳng hơn khi vắng bóng nhân tố bất ngờ, việc U23 Việt Nam thi đấu chật vật cũng là điều dễ hiểu.

U23 Việt Nam đã được các đối thủ
U23 Việt Nam đã được các đối thủ "quan tâm" hơn

Tại SEA Games 30, bóng chết, những tính huống cố định là thứ vũ khí nguy hiểm, đã mang về những bàn thắng quan trọng với các cầu thủ U22 Việt Nam. Có lẽ hiếm khi nào những tình huống cố định trong tay HLV Park lại nguy hiểm như tại SEA Games năm 2019. Những tưởng với đội hình có không ít cầu thủ nguy hiểm trong những quả phạt trực tiếp sẽ là thứ vũ khí bí mật của U23 Việt Nam mỗi khi những phương án tấn công bế tắc, nhưng có lẽ “bài” này chỉ có thể phát huy tác dụng với các đội bóng tại khu vực Đông Nam Á. Khi các đối thủ chủ động lùi sâu, phòng ngự với số đông, các cầu thủ U23 Việt Nam chỉ còn những quả phạt trực tiếp để tìm đường vào khung thành đối phương, và khi phương án ấy không thể phát huy hết hiệu quả, U23 không thể ghi bàn là điều dễ hiểu.

Khi những con người không còn đủ tốt

Phải nhìn nhận sự thật rằng, U23 Việt Nam hiện tại khó có thể so sánh với U23 Việt Nam của 2018. Sơ đồ ba trung vệ của HLV Park đòi hỏi hai wing back phải có khả năng build up- kiến thiết lối chơi rất tốt- thứ mà cả Đỗ Thanh Thịnh và Hồ Tấn Tài đều chưa đạt yêu cầu. Hãy nhìn vào đội hình hai năm trước, trong tay chiến lược gia người Hàn là Vũ Văn Thanh, Đoàn Văn Hậu và Phạm Xuân Mạnh, cả ba không chỉ chắc chắn trong phòng ngự mà còn có những đóng góp đáng kể trong việc kiến thiết lối chơi. Năm nay, Tấn Tài chỉ hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự (trước khi có dấu hiệu xuống sức ở những phút cuối) và gần như không thể tạo ra đột biến trong tấn công. Ở cánh đối diện, Đỗ Thanh Thịnh thi đấu thất vọng và phải rời sân sớm trong trận gặp U23 Jordan. Thiếu đi Đoàn Văn Hậu không chỉ ảnh hưởng tới mặt trận phòng ngự, mà U23 Việt Nam còn mất đi một phương án có thể tạo nên khác biệt trong những tình huống cố định, thứ đã được thể hiện rất rõ tại SEA Games 30.

Tuyến giữa
Tuyến giữa "mỏng manh" và thiếu đột biến

Ở tuyến giữa, không khó để nhận ra sự thiếu vắng một bộ đôi tiền vệ trung tâm chất lượng để hỗ trợ cho hàng tấn công. Năm 2018, giải đấu Quang Hải thi đấu vô cùng bùng nổ- khi được đá gần khung thành, một phần là nhờ bộ đôi Lương Xuân Trường- Phạm Đức Huy bọc lót quá tốt ở tuyến dưới. Năm nay, dù là bộ đôi Nguyễn Đức Chiến- Nguyễn Hoàng Đức hay Nguyễn Đức Chiến- Trần Thanh Sơn thì khán giả vẫn thấy lo lắng cho khả năng thu hồi bóng và kéo bóng của U23 Việt Nam. Ở hàng trên, Nguyễn Tiến Linh “đói bóng” phải lùi sâu để nhận bóng và kéo dãn hàng thủ đối phương- điều không phải sở trường của cầu thủ này. Tiến Linh là mẫu tiền đạo cắm hoạt động trong vòng 16m50, và không thể đòi hỏi tiền đạo của Becamex Bình Dương đá rộng, đá theo kiểu “tự gắp tự ăn”. Quang Hải, vì bị đẩy ra xa khung thành và bị vây ráp quá chặt, nên số cơ hội của số 19 tạo ra chưa nhiều và chưa thật nguy hiểm. Hà Đức Chinh đã cho thấy vai trò của mình, khi vào sân từ ghế dự bị trong trận gặp U23 Jordan và đã có những kết nối giữa hàng tiền vệ và tiền đạo của U23 Việt Nam. Tiếc rằng, tất cả những điều trên, đều là chưa đủ để mang về cho đoàn quân của HLV Park ít nhất là một chiến thắng, nhưng Mr. Park cũng chẳng thể làm gì hơn vì nhân lực trong tay ông cũng chỉ được như vậy mà thôi.

Những cầu thủ dự bị trong tay HLV Park không thể thay thế được vị trí của các trụ cột

Một yếu tố quan trọng khác về chất lượng nhân sự của U23 Việt Nam hiện tại, đó là vấn đề về chiều sâu đội hình, nói cách khác, U23 Việt Nam thiếu đi những dự bị chiến lược. Tại U23 Châu Á 2018, ít nhất HLV Park còn có Phạm Xuân Mạnh đá thay vai trò của Đoàn Văn Hậu sau khi hậu vệ sinh năm 1999 gặp chấn thương ở vòng bảng. Ngoài ra, U23 Việt Nam năm đó còn sở hữu những cầu thủ có thể tạo nên đột biến và sẵn sàng khuấy đảo hàng thủ đối phương khi vào sân. Phan Văn Đức, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Phong Hồng Duy chính là những mẫu cầu thủ mà U23 Việt Nam hiện tại đang thiếu. Đặc biệt là Phan Văn Đức, sau khi cầu thủ của SLNA chấn thương, HLV Park rất đau đầu tìm ra một phương án thay thế đủ chất lượng, nhưng những gì ông có chỉ là…Nguyễn Trọng Hùng- cái tên rất được kì vọng, nhưng những gì cầu thủ này thể hiện, lại chưa đạt yêu cầu. Đen đủi hơn, U23 Việt Nam thiếu hậu vệ cánh chất lượng đến nỗi, Bùi Hoàng Việt Anh và Lê Ngọc Bảo- hai trung vệ lệch phải đá như hai wing back trong sơ đồ ba trung vệ, khi Hồ Tấn Tài và Đỗ Thanh Thịnh không thể thi đấu. Với những con người như vậy, việc vượt qua vòng bảng đã là điều quá sức, chứ đừng nói là lặp lại kì tích hai năm trước, hay tiến tới Olympic Tokyo mùa hè này.

 

Khép lại một giải đấu không như mong đợi, nhưng hãy xem đây là bài học để các cầu thủ cố gắng hơn trong tương lai. Không phải sau những thành công vượt bậc, chính sau những khó khăn vất vả, tình yêu và sự hâm mộ của cổ động viên mới có dịp thể hiện rõ nhất.

1

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm